Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:31 (GMT +7)
6 biện pháp tự nhiên điều trị nghẹt mũi
Thứ 3, 28/03/2023 | 14:13:03 [GMT +7] A A
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nghẹt mũi sẽ lựa chọn các biện pháp điều trị phù hợp… có thể dùng thuốc hoặc không cần phải dùng thuốc.
1. Nguyên nhân gây nghẹt mũi
1.1 Cảm lạnh có thể gây nghẹt mũi
Nghẹt mũi là một trong những dấu hiệu đặc trưng của cảm lạnh thông thường. Khi cơ thể tiếp xúc với virus cảm lạnh, đường mũi có thể bị kích ứng và viêm, dẫn đến tắc nghẽn, thường kéo dài đến hai tuần.
Cùng với nghẹt mũi, người bệnh có thể bị hắt hơi, đau họng và ho…
1.2 Cúm
Virus có thể gây cúm hoặc cảm lạnh và dẫn đến nghẹt mũi. Tuy nhiên, trong khi cả hai bệnh đều có triệu chứng chung là nghẹt mũi, thì các triệu chứng của cúm nhìn chung có xu hướng nghiêm trọng hơn cảm lạnh.
Khi bị cúm, người bệnh cũng có thể bị sốt cao, mệt mỏi và đau nhức cơ thể ngoài cảm giác ngột ngạt, khó chịu…
1.3 Viêm xoang
Nhiễm trùng xoang (viêm xoang) xảy ra khi có vi khuẩn và chất lỏng tích tụ trong xoang. Kết quả là tình trạng viêm kích thích đường mũi, và là nguyên nhân gây nghẹt mũi.
Các triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp trong viêm xoang có thể bao gồm: Đau hoặc áp lực ở mặt, nhức đầu, sổ mũi, đau họng, ho và chảy nước mũi sau (là tình trạng chất nhầy dư thừa từ xoang chảy xuống phía sau cổ họng)
1.4 Dị ứng
Dị ứng là một phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các chất bên ngoài như mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng, cỏ và phấn hoa... Khi các chất gây dị ứng này xâm nhập vào đường mũi, sẽ gây ra tình trạng viêm dẫn đến tắc nghẽn.
Các dấu hiệu dị ứng khác có thể bao gồm hắt hơi, chảy nước mắt, chảy nước mũi, phát ban trên da và sưng tấy…
1.5 Polyp mũi
Polyp mũi là sự phát triển mô (không phải ung thư) bên trong niêm mạc mũi và là kết quả của tình trạng viêm mãn tính. Khi chúng phát triển đủ lớn, polyp mũi có thể chặn đường mũi và gây nghẹt mũi.
Các triệu chứng phổ biến khác của polyp mũi có thể bao gồm nhức đầu, mất khứu giác và vị giác, chảy nước mũi, áp lực xoang, chảy nước mũi sau và đau mặt…
1.6 Một số loại thuốc
Tác dụng phụ của thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây nghẹt mũi. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc sử dụng lâu dài các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh như: Thuốc điều chỉnh huyết áp, ibuprofen và các loại thuốc giảm đau tương tự, một số loại thuốc xịt thông mũi… có thể gây nghẹt mũi.
Nếu dùng thuốc có thể là thủ phạm gây nghẹt mũi, người bệnh nên kiểm tra lại với bác sĩ trước khi ngừng bất kỳ loại thuốc nào được kê đơn, đặc biệt là các thuốc kê đơn trị các bệnh mạn tính.
2. Biện pháp khắc phục tại nhà chữa nghẹt mũi
Trước khi điều trị nghẹt mũi, người bệnh nên tìm hiểu nguyên nhân gây nghẹt mũi. Các lựa chọn điều trị cụ thể bao gồm: Biện pháp khắc phục tại nhà, thuốc mua không kê đơn (OTC) hoặc thuốc theo đơn. Việc dùng các biện pháp nào sẽ tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách thử một hoặc hai biện pháp đơn giản tại nhà có thể giúp kiểm soát nghẹt mũi.
Các phương pháp điều trị nghẹt mũi tại nhà bao gồm:
2.1 Tăng cường lượng chất lỏng cho cơ thể giảm nghẹt mũi
Mặc dù không giúp giảm đau ngay lập tức, nhưng uống nhiều nước (không cồn) và giữ đủ nước cho cơ thể, sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong đường mũi, trong các xoang bị tắc nghẽn, thoát ra dễ dàng hơn.
2.2 Thêm độ ẩm cho không khí
Chạy máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương mát trong nhà hoặc văn phòng là một cách đơn giản và hiệu quả để giảm nghẹt mũi.
Hít thở không khí ẩm giúp làm dịu các mô mũi bị kích thích, giảm viêm xoang và làm loãng chất nhầy, giúp nó thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Máy phun sương ấm và phun sương mát đều có hiệu quả như nhau trong việc tăng độ ẩm và giảm tắc nghẽn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy luôn sử dụng máy phun sương mát cho trẻ em. Nước nóng hoặc hơi nước từ máy tạo độ ẩm phun sương ấm, có thể làm trẻ bị bỏng nếu trẻ đến quá gần hoặc nếu máy bị đổ và nước tràn ra ngoài.
Tuy nhiên, dù chọn loại thiết bị nào, hãy đảm bảo thay nước hằng ngày và vệ sinh thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
2.3 Rửa mũi
Rửa sạch đường mũi bằng một thiết bị như bình neti, có thể giúp làm lỏng chất nhầy đặc và loại bỏ các chất kích thích, chất gây dị ứng, vi trùng… ra ngoài.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) bình neti an toàn khi sử dụng, miễn là bạn đổ đầy nước vô trùng hoặc nước cất vào bình. Không sử dụng nước máy, trừ khi bạn đã đun sôi và để nguội.
Cách sử dụng:
-
Đổ đầy dung dịch nước muối (được pha bằng nước ấm, vô trùng và muối) vào bình.
-
Nghiêng người qua bồn rửa và nghiêng đầu ngang với trán và cằm (để tránh chất lỏng chảy vào miệng).
-
Trong khi thở bằng miệng, đưa vòi của bình neti vào một bên lỗ mũi, để chất lỏng chảy qua lỗ mũi còn lại.
-
Lặp lại ở phía bên kia.
Có thể dùng chai xịt mũi chứa nước muối có sẵn (của nhà sản xuất), để xịt mũi, cũng có thể giúp làm dịu đường mũi khô.
2.4 Tắm nước nóng
Hít hơi nước nóng khi tắm cũng giúp giảm đau và áp lực xoang bằng cách giúp chất nhầy thoát ra ngoài. Điều này có thể giúp hơi thở của bạn trở lại bình thường, ít nhất là trong một thời gian ngắn.
2.5 Hãy thử ‘thuốc thông mũi tự nhiên’
Vitamin C đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nhưng nó không ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tắc nghẽn.
Tuy nhiên, nếu bạn đang bị nghẹt mũi liên quan đến cảm lạnh, bổ sung thêm vitamin C có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Đối với tình trạng nghẹt mũi do dị ứng, bạn có thể dùng gừng. Một nghiên cứu được công bố trên tờ Thuốc và Liệu pháp bổ sung BMC năm 2020 cho thấy, chiết xuất gừng với liều 500 mg hằng ngày cũng có hiệu quả như loratadine (một loại thuốc kháng histamin) đối với chứng nghẹt mũi do dị ứng mũi (viêm mũi dị ứng). Các nhà nghiên cứu cho biết, gừng dường như có cả cơ chế chống dị ứng và chống viêm.
Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của chiết xuất gừng, nhưng bạn có thể thử uống một tách trà gừng hằng ngày để giúp giảm bớt chứng nghẹt mũi do dị ứng.
2.6 Chườm nóng
Nếu bạn bị đau đầu hoặc đau xoang do nghẹt mũi, hãy thử đặt một miếng gạc ấm trực tiếp lên mũi và trán. Điều này có thể giúp giảm viêm và áp lực ở mũi và giảm bớt sự khó chịu của cơ thể.
Hoặc có thể ngâm một chiếc khăn mặt vào nước ấm, vắt bớt nước, sau đó gấp lại và đắp lên mũi, má và trán. Hãy thử làm điều này trong 20 phút và lặp lại thường xuyên nếu cần.
Ngoài ra, người bị nghẹt mũi cần:
-
Giữ tư thế nâng cao bằng cách đứng hoặc ngồi thay vì nằm bất cứ khi nào có thể;
-
Tránh các tác nhân gây dị ứng (như phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, lông động vật…), nếu chứng nghẹt mũi bắt nguồn từ dị ứng;
-
Ưu tiên nghỉ ngơi và ngủ cho các trường hợp bị nghẹt mũi, xung huyết do virus, để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()