Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
6 bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ, bố mẹ hết sức chú ý
Thứ 4, 07/12/2022 | 17:22:47 [GMT +7] A A
Bố mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa cũng như cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho con.
Bệnh giao mùa ở trẻ luôn gây ra nhiều vấn đề rắc rối, khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng, còn phụ huynh luôn phải lo lắng không yên.
Vào những thời điểm giao mùa độ ẩm trong không khí tăng cao, thời tiết thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công tới cơ thể con người. Chuyên gia CKII Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết, bệnh giao mùa thường "tấn công" người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý nền, người có sức đề kháng yếu, phụ nữ mang thai… Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất vì hệ miễn dịch chưa được hoàn chỉnh, sức đề kháng thấp. Do đó phụ huynh cần trang bị những kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa cũng như cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho con.
Dưới đây là những bệnh giao mùa trẻ thường hay mắc phải
1. Cảm cúm - bệnh giao mùa trẻ hay mắc nhất
Cảm cúm chính là một trong những bệnh giao mùa mà trẻ em hay mắc phải. Khi bị bệnh, con có thể sốt một cách đột ngột (> 38,3 độ C) hoặc sốt đi kèm với run, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, cực kì mệt mỏi và ho khan. Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ có thể sẽ bị đau họng, nghẹt mũi và tiếp tục ho.
Cảm cúm thường không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
2. Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là những bệnh lý thường gặp khi thời tiết giao mùa, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tình trạng dị ứng hoặc do các tác nhân vi khuẩn, virus. Trẻ bị viêm đường hô hấp thường bị sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi.
Đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên có thể tự khỏi sau vài ba ngày. Tuy vậy, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng. Vì vậy khi thấy con có dấu hiệu bị viêm đường hô hấp trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
3. Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là bệnh mùa đông mà trẻ hay mắc vào thời điểm giao mùa. Theo thống kê của WHO, mỗi năm nước ta có khoảng 1.100 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh này. Bệnh bắt đầu với triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy và ói mửa. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị mất nước từ nhẹ đến nặng, nguy cơ tử vong cao. Các trường hợp tiêu chảy nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Trường hợp nặng cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị bù nước, điện giải, thuốc kháng sinh hoặc có phác đồ điều trị khác.
4. Sốt phát ban
Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của bé sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.
5. Sốt xuất huyết
Đây là bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm. Trẻ sốt cao đột ngột và liên tục (39-40 độ C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu... Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
6. Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do một loại vi rút mang tên Varicella Zoster (VZV) gây ra. Biểu hiện của bệnh chỉ xuất hiện sau 10 - 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Giai đoạn đầu, trẻ có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... sau đó sẽ xuất hiện những nốt hồng ban, phỏng nước... Sau 2-3 ngày mụn có thể đóng vẩy.
Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh giao mùa cho trẻ?
Nhằm phòng các dịch bệnh mùa đông xuân, cha mẹ cần nằm được những nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc 1: Chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ
Một chế độ ăn khoa học rất cần thiết đối với trẻ nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng giúp bé có hệ miễn dịch vững vàng. Khi bổ sung dinh dưỡng cho con, phụ huynh cần chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản... Ngoài ra bé cũng nên ăn nhiều rau quả để bổ sung vitamin A, vitamin B, vitamin C...
- Nguyên tắc 2: Thay đổi lịch sinh hoạt cho trẻ vào thời điểm giao mùa
+ Giữ ấm cơ thể cho trẻ chú ý phần cổ, tay, chân. Đặc biệt vào buổi tối, đêm - đây là khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày.
+ Chú ý giữ vệ sinh cho trẻ: Cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
+ Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 - 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
+ Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn…
- Nguyên tắc 3: Chăm sóc trẻ bị bệnh đúng cách
+ Khi con bị sốt cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, lau mát người cho trẻ và đưa con đi khám bệnh ở các cơ sở y tế.
+ Nếu trẻ ho, đối với trẻ dưới 12 tháng, các mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ trên 12 tháng các bố mẹ có thể cho con dùng ½ muỗng cà phê mật ong trước khi ngủ 30 phút, sẽ giúp làm giảm cơn ho và ít thức giấc về đêm.
+ Nếu trẻ nôn ói và tiêu lỏng: Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi hay còn gọi là tiêu chảy cấp. Việc sử dụng thuốc chống nôn ói và cầm tiêu chảy là không được khuyến cáo. Nếu trẻ chỉ ói và tiêu lỏng ít, cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá. Tình trạng nôn ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 - 7 ngày. Nếu thấy trẻ nôn và tiêu lỏng ngày càng nhiều thì nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
- Nguyên tắc 4: Tiêm phòng đầy đủ theo lịch cho trẻ
Để phòng bệnh giao mùa cho trẻ, cha mẹ cần cho con tiêm phòng đầy đủ. Trẻ nên được tiêm cúm 1 năm/lần. Bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp, hiệu quả của tiêm ngừa đạt 96 - 97%. Trẻ được tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn trẻ không được tiêm ngừa. Còn tiêu chảy cấp do Rotavirus thường gặp nhất gây bệnh cảnh tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, liều đầu tiên được uống vào thời điểm 2 tháng tuổi.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()