Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
5G đang thúc đẩy phát triển cảng thông minh ra sao?
Thứ 6, 04/11/2022 | 11:14:27 [GMT +7] A A
Ứng dụng 5G cùng các giải pháp AI, IoT, Cloud vào cảng thông minh sẽ góp phần tăng khả năng hoạt động của các cảng biển, mắt xích quan trọng giúp đẩy nhanh tốc độ cung ứng trên toàn thế giới.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, cảng biển đang trải qua quá trình chuyển đổi số và số hóa, tự động hóa quy trình bằng việc áp dụng các giải pháp 5G, AI và Cloud.
Việc này giúp giải quyết không ít các vấn đề gặp phải trước đây ở mô hình cũ.
Với mô hình hoạt động truyền thống, quy trình vận chuyển hàng hóa trong cảng bắt gặp ba thách thức lớn: môi trường làm việc khắc nghiệt, khó đảm bảo an toàn cho người lái và hiệu quả kém từ việc điều khiển thủ công, cụ thể để hạ tải một con tàu 12.000 TEU cần hơn 4 ngày để hoàn thành.
Huawei vừa chia sẻ mô hình phát triển cảng biển mới, theo đó hãng công nghệ Trung Quốc đã cùng các đối tác xây dựng một hệ thống giao thông vận chuyển thông minh với sự kết hợp của giải pháp 5G và điều phối tập trung dựa trên Cloud, tại Cảng Thiên Tân.
Các đối tác tham gia dự án này đã thiết kế một thuật toán riêng dựa trên động cơ học của xe, đảm bảo rằng các phương tiện luôn đi chính xác trên cung đường riêng chuyên biệt.
Điều này cho phép nhiều xe tự hành IGV (Intelligent guided vehicle - xe tự vận hành được sử dụng trong các nhà kho thông minh) hoạt động lần lượt một cách suôn sẻ dù cho đang di chuyển theo một hướng hay cả hai hướng. Bên cạnh đó, tính năng lập kế hoạch đường đi ngắn cũng được thiết lập sẵn trên đám mây, đáp ứng vô số hoạt động của thiết bị đầu cuối và điều chỉnh nhiệm vụ trong thời gian thực.
Khi giải pháp được đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên, đã cho ra kết quả chính xác đến 90%, đồng thời ghi nhận hiệu quả hoạt động đáng kể ngay khi đi vào thực tiễn.
Dự án cho phép 76 IGV trong nhóm cộng tác hiệu quả với nhau mà không cần chú ý đến sự di chuyển của xe. Trong trường hợp xe tự hành xảy ra lỗi, con người vẫn có thể can thiệp đến quá trình lái nếu có bất kì trường hợp nào xảy ra. Điều này củng cố cho sự an toàn của các hoạt động vận hành tại cảng
Bên cạnh cảng Thiên Tân, một số cảng biển trên toàn cầu cũng ghi nhận những thành công đáng kể khi áp dụng các công nghệ 5G như cảng Ninh Ba - Chu San (Trung Quốc), cảng Thanh Đảo (Trung Quốc), cảng Livorno (Ý)…
Cảng biển Thanh Đảo có tần suất nhập - xuất hàng ngoại và nội địa cũng như dịch vụ hành khách đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 5 tại Trung Quốc.
Qua việc áp dụng hệ thống mới, các container sẽ được dịch chuyển, quét để kiểm tra bằng máy móc tự động, sau đó được đưa lên những chiếc xe tải không người lái vận chuyển đi. Thông qua giải pháp này, chi phí lao động tại cảng ghi nhận giảm thiểu đến 70%, trong khi hiệu suất tăng 30% bởi được duy trì vận hành cả ngày lẫn đêm.
Cảng Ninh Ba - Chu San, một trong những cảng trung tâm chính ở Trung Quốc cũng đã triển khai giải pháp 5G, AI, đám mây vào hệ thống điều khiển nhằm giải quyết áp lực lớn về chi phí và hiệu suất.
Sự tham gia của 5G trong cuộc chơi này đã giúp cảng Ninh Ba tăng hiệu suất xử lý tình huống lên 20%, giảm 50% chi phí tài nguyên, đồng thời giải quyết được vấn đề về môi trường, và tăng cường đảm bảo an toàn cho người lao động.
Với sự phát triển mạnh mẽ của 5G, không chỉ Huawei mà nhiều đối tác trong ngành cũng đang tăng tốc, đẩy mạnh triển khai ứng dụng 5G vào các hoạt động sản xuất, vận hành, quản lý nhằm mục tiêu tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng.
Cảng biển từ trước đến nay luôn đóng vai trò trung tâm của kết nối giao thương và hậu cần, giữ mắt xích quan trọng cho cả quá trình vận hành trên toàn cầu, là nơi xuất và nhập khẩu hàng hóa.
Sự vận hành trơn tru của cảng biển đóng góp không nhỏ vào hoạt động thương mại toàn cầu. Hoạt động cảng càng hiệu quả thì nền kinh tế càng phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng tốc thương mại quốc tế và khu vực.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()