Đến 6/2, có 258 sàn thương mại điện tử, gồm Shopee, Lazada, Sendo (chưa gồm Tiki) đã cung cấp thông tin của người bán trên cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế.
Dữ liệu khai thác từ cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối 2022 cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 từ nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn. Ngành thuế có thông tin của hơn 53.200 cá nhân trong nước và 4 người nước ngoài kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn nhưng theo Tổng cục Thuế, giao dịch thực tế vẫn cao hơn nhiều so với thống kê. Ngành sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn.
Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán bao gồm họ tên, mã số thuế/định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại. Riêng các sàn có chức năng đặt trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.
Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu. Ngành thuế cũng đang xây dựng mô hình quản lý rủi ro áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn, đưa cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro thuế.
Từ 2022 có cổng thông tin thương mại điện tử để hỗ trợ các sàn trong việc việc khai thuế thay người bán. Hiện tại, cổng này là nơi để các cung cấp thông tin người bán và hỗ trợ họ trong việc khai thay cá nhân kinh doanh. Cá nhân bán hàng cũng có thể khai trực tiếp trên cổng.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), đánh giá các doanh nghiệp còn nhiều lúng túng do đây là kỳ đầu tiên cung cấp thông tin. Cơ quan này cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt các sàn lớn một cách kịp thời.
Ý kiến ()