Bình nóng lạnh trên 10 năm
Đối với bình nóng lạnh có tuổi đời trên 10 năm, nên thay thế càng sớm càng tốt, dù chưa có dấu hiệu hỏng hóc.
Bình nóng lạnh sử dụng hơn 10 năm đã vượt quá tuổi thọ được khuyến cáo. Lúc này các bộ phận bên trong bắt đầu "lão hóa", có thể gây ra một số nguy hiểm như rò rỉ điện thậm chí gây cháy nổ. Hiệu suất làm nóng của thiết bị đã giảm đáng kể nên tiêu thụ lượng điện rất lớn.
Lời khuyên
Thay thế cũ bằng mới: Giá tiền của một chiếc bình nóng lạnh mới khá hợp lý, bởi vậy thay vì sử dụng máy cũ, nên mua một chiếc máy mới để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Bảo trì thường xuyên: Nếu không muốn thay thế hoặc chưa có điều kiện mua mới nên tìm chuyên gia để vệ sinh, kiểm tra và sửa chữa hàng năm để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.
Thảm lau chân trên ba năm
Đối với thảm chùi chân, nhiều người chưa bao giờ có ý định thay thế. Tuy nhiên, món đồ này chỉ nên sử dụng tối đa ba năm.
Thảm lau chân là nơi chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Bằng mắt thường có thể thấy mỗi khi đập mạnh thảm vào tường hoặc nền đất, bụi bẩn rơi ra nhiều. Nếu không thay thế sẽ là nơi ẩn chứa những mối nguy hại cho sức khỏe.
Thảm sử dụng trên ba năm bám nhiều cặn bẩn và trở nên quá cũ kỹ, gây mất thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Lời khuyên
Thay mới định kỳ: Tại cửa ra vào, nên thay thảm một hoặc hai năm một lần. Với cửa phòng hay cửa nhà vệ sinh, hai hoặc ba năm thay mới một lần.
Làm sạch thường xuyên: Vì là nơi chứa nhiều bụi bẩn, nên vệ sinh thảm thường xuyên, ít nhất một tháng một lần. Có nhiều cách để giặt sạch như cho vào máy giặt hoặc đặt thảm trong phòng tắm rồi dùng vòi xịt rửa mạnh.
Bộ đồ ăn bằng nhựa trên một năm tuổi
Nhiều người thích dùng bát đĩa thậm chí là đũa thìa bằng nhựa vì giá thành rẻ hơn các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, với những dụng cụ này, sau một năm nên thay bộ mới.
Đồ nhựa rất giòn và dễ vỡ. Nếu nhà có trẻ nhỏ và chúng thích gặm nhấm thì điều này rất có hại. Vì dễ bị vỡ, nứt nên vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sản bên trong những vết nứt này và rất khó làm sạch.
Lời khuyên
- Thay mới định kỳ: Vì giá thành của nhựa khá rẻ, không nên sử dụng quá một năm và nên vứt bỏ kịp thời.
- Khử trùng thường xuyên: Phương pháp được nhiều người sử dụng là "chần" vào nước đun sôi. Thực tế, phương pháp này cũng có tác dụng. Tuy nhiên, nhựa rất dễ bị cứng và đẩy nhanh quá trình lão hóa của chúng. Do vậy, đây chỉ là cách đảm bảo vệ sinh mà không phải cách để kéo dài tuổi thọ cho đồ nhựa.
Đũa gỗ trên 6 tháng
Đũa gỗ không thể sử dụng trong nhiều năm. Theo các nghiên cứu, tốt nhất nên thay thế 6 tháng một lần.
Sau thời gian dài sử dụng, trên bề mặt đũa gỗ thường xuất hiện một số rãnh nhỏ do quá trình co giãn nhiệt. Vi khuẩn dễ dàng sinh sản trong các rãnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Lời khuyên
- Đối với đũa tre và gỗ, nên thay thế sau 6 tháng sử dụng để tránh sự sinh sản của nấm mốc và vi khuẩn. Có thể khử trùng thường xuyên bằng nước nóng bằng cách đun nước sôi (nếu muốn có thể pha thêm nước cốt chanh hoặc giấm) rồi cho đũa gỗ vào ngâm 10 phút, sau đó vớt ra phơi nắng cho khô ráo là có thể sử dụng.
Thớt đã sử dụng trên hai năm
Theo nhiều chuyên gia khuyến cáo, nên đổi thớt tối đa sau hai năm sử dụng bởi lâu ngày thường xuất hiện các vết cắt đan chéo dày đặc, là nơi tích tụ của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Ngoài ra, thớt đã dùng lâu rất khó để rửa sạch. Thực chất sau khi thớt có vết dao, nước sẽ ngấm vào khiến thớt không thể khô hẳn, sinh ra nấm mốc.
Lời khuyên
Thớt nên được làm sạch và khử trùng thường xuyên: Có thể dùng nước nóng để tráng, sau đó dùng baking soda lau sạch bề mặt để thớt luôn sạch sẽ.
Thớt phải được thông gió và sấy khô: Sau khi rửa thớt nên cọ sạch bằng bàn chải rồi đặt ở nơi thoáng gió để thớt khô kịp thời, tránh tình trạng nấm mốc.
Ý kiến ()