Nguyễn Trọng Hoàng giàu trải nghiệm nhất ở Việt Nam hiện tại, với 74 trận và ghi 12 bàn. Anh cũng góp công không nhỏ giúp đội tuyển vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, đoạt HC vàng SEA Games 30 và vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022. Mỗi khi được triệu tập, anh thường chắc suất đá chính trong vai trò hậu vệ công biên phải.
Trọng Hoàng từng làm đội trưởng SLNA ở V-League 2013, mùa cuối cùng trước khi anh vào Bình Dương thi đấu. Trước đó, anh chấn thương đầu gối và nghỉ thi đấu suốt ba tháng, nhưng vẫn được ban huấn luyện SLNA tín nhiệm trao băng đội trưởng thay cho trung vệ Nguyễn Huy Hoàng.
Hiện Trọng Hoàng đang hồi phục chấn thương thoát vị đĩa đệm, chưa rõ có kịp trở lại để cùng Việt Nam dự hai trận tiếp theo ở vòng loại World Cup gặp Australia (27/1) và Trung Quốc (1/2) hay không. Nhưng trong dài hạn, hậu vệ 33 tuổi có thể là ứng viên thay thế vai trò đội trưởng của người em đồng hương Quế Ngọc Hải.
Cũng như Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng vừa trải qua thời gian dài điều trị chấn thương gãy chân. Anh đã trở lại thi đấu cùng Hà Nội ở vài trận giao hữu trước mùa 2022. Nhiều khả năng, tiền vệ 30 tuổi sẽ được HLV Park Hang-seo triệu tập trở lại trong đợt tập trung tới.
Hùng Dũng từng đeo băng đội trưởng khi Việt Nam đoạt HC vàng SEA Games 30 tại Philippines. Tại giải này, Nguyễn Quang Hải ban đầu là đội trưởng nhưng chấn thương ở vòng bảng và nghỉ hết giải. HLV Park chọn Hùng Dũng thay thế vai trò của người em cùng CLB Hà Nội, và anh hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí ghi bàn ở trận chung kết thắng Indonesia 3-0.
Hùng Dũng cũng là nòng cốt của Việt Nam dưới thời HLV Park, qua các giải như Asiad 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 30 hay vòng loại World Cup 2022. Lần gần nhất anh chơi cho đội tuyển là trận hòa Thái Lan 0-0 tại Mỹ Đình ngày 19/11/2019.
Lịch sử đội tuyển Việt Nam từ năm 1995 chưa ghi nhận đội trưởng chính thức nào là thủ môn, nhưng Đặng Văn Lâm có thể là người đầu tiên. Văn Lâm chưa có kinh nghiệm làm đội trưởng, nhưng anh có khả năng chỉ huy hàng thủ tốt hơn những đồng đội khác.
Văn Lâm là tuyển thủ Việt Nam duy nhất đang chơi ở nước ngoài, trong màu áo CLB Cerezo Osaka tại J-League. Anh cũng đang chờ hồi phục chấn thương vai, và nhiều khả năng sẽ tập trung ở đợt thi đấu tiếp theo.
Văn Lâm là thủ môn chính của Việt Nam ở AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và phần lớn giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022. Anh có kinh nghiệm chơi bóng ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Nga, Thái Lan và Nhật Bản.
Trung vệ Bùi Tiến Dũng là một trong những tuyển thủ có nhiều kinh nghiệm làm đội trưởng nhất ở cấp CLB. Anh giữ băng đội trưởng Viettel từ năm 2016, khi mới 21 tuổi. Trung vệ gốc Hà Tĩnh cũng đá chính cho đội tuyển từ khi mới 20 tuổi.
So với đối tác Đỗ Duy Mạnh, Tiến Dũng ít mắc sai lầm hơn. Anh thường được sử dụng trong vai trò trung vệ lệch trái. Nhưng, với sự tiến bộ của Nguyễn Thành Chung, Tiến Dũng bắt đầu phải hoán đổi vị trí. Ở vòng loại World Cup 2022, anh đã ba lần bị thay ra sân. Đội trưởng cần là người thường xuyên thi đấu trọn 90 phút mỗi trận.
Một phương án khả dĩ khác của HLV Park là tiền vệ Nguyễn Quang Hải. Anh là tuyển thủ Việt Nam được đánh giá cao nhất về chuyên môn hiện tại, dù mới 25 tuổi. Tiền vệ quê Hà Nội là chủ lực trong thành công của các hệ đội tuyển Việt Nam gần năm năm qua, từ chiến tích vào VCK U20 World Cup 2017.
Quang Hải có kinh nghiệm làm đội trưởng ở SEA Games 30 và U23 châu Á 2020. Nếu được tín nhiệm, anh sẽ là đội trưởng trẻ nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam.
Quang Hải đã chơi 38 trận cho đội tuyển ở các giải chính thức, nhưng mới năm lần bị thay ra, chủ yếu nhằm giữ sức cho các trận sau. Anh cũng hiếm khi chấn thương, và sẽ là trụ cột của đội tuyển trong nhiều năm tới.
Ý kiến ()