Ho giúp loại bỏ các chất gây kích ứng và nhiễm trùng khỏi đường hô hấp. Ho thường khỏi sau hai tuần nhưng tình trạng mạn tính (hơn 8 tuần) gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số thực phẩm dưới đây hỗ trợ làm dịu cơn ho mà không cần dùng thuốc.
Gừng
Gừng chứa có các hợp chất làm giãn mạch máu, thư giãn cơ trơn, thông thoáng đường thở, là phương thuốc hữu hiệu để giảm ho, đau họng. Thực phẩm này cũng cung cấp vitamin C, vitamin B6, kali, magiê, mangan, chất chống oxy hóa như gingerol. Uống nước gừng có thể cải thiện tiêu hóa, giảm buồn nôn, làm dịu trào ngược axit, tăng cường chức năng miễn dịch. Thêm gừng thái nhỏ vào trà thảo mộc cũng giúp giảm ho.
Gừng thúc đẩy cơ thể đốt cháy chất béo, tăng tỷ lệ trao đổi chất. Uống gừng nóng trong bữa ăn để ngăn ăn quá nhiều, giữ dáng hiệu quả.
Mật ong
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm và chống viêm góp phần giảm ho. Bạn nên pha trà mật ong, chanh với nước nóng. Chanh có các dưỡng chất làm loãng, phá vỡ chất nhầy, trong khi mật ong có tác dụng làm dịu cổ họng. Loại trà này còn cung cấp cho cơ thể vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch.
Bạc hà
Bạc hà có nhiều dưỡng chất hỗ trợ để thông mũi, phá vỡ chất nhầy, cải thiện sức khỏe đường hô hấp. Bạn có thể uống trà bạc hà hoặc ngậm viên ngậm ngay trước khi đi ngủ để bớt ho ban đêm. Giã nhuyễn một nắm lá bạc hà tươi vắt lấy nước uống hàng ngày.
Khuynh diệp
Khuynh diệp góp phần giảm chất nhầy, mở rộng tiểu phế quản của phổi, hạn chế các vấn đề bất thường về đường hô hấp trên. Từ lâu dầu khuynh diệp được dùng để giảm ho tạm thời hoặc mạn tính. Nhiều loại thuốc ho chứa chiết xuất từ khuynh diệp.
Dứa
Nước dứa chứa enzyme là bromelain, có đặc tính chống viêm mạnh. Bromelain có thể giải quyết vấn đề hô hấp liên quan đến dị ứng và hen suyễn. Dứa có hàm lượng calo thấp, giàu chất dinh dưỡng như chất xơ, mangan, folate, magie, kali, vitamin C, đồng... Ăn thực phẩm giàu vitamin C như dứa có tác dụng chống lại vi khuẩn, yếu tố gây dị ứng.
Tuy nhiên, dứa không phải là lựa chọn tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bởi tính axit trong thực phẩm này có thể làm tăng triệu chứng ợ chua khiến bệnh nặng hơn. Người bị dị ứng dứa có thể xuất hiện triệu chứng sưng ở mặt, miệng, môi và lưỡi hoặc cảm giác ngứa.
Người bị ho nên súc miệng bằng nước muối, uống nước ấm để làm loãng chất nhầy, giảm triệu chứng. Nếu tình trạng nặng, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thuốc phù hợp.
Ý kiến ()