Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:41 (GMT +7)
5 tác dụng ít người biết của loại củ bổ dưỡng hơn cả khoai tây
Chủ nhật, 16/07/2023 | 11:42:42 [GMT +7] A A
Khoai sọ có giá trị dinh dưỡng cao gấp 1,5 lần củ khoai tây, vậy khoai sọ có tác dụng gì?
Thành phần dinh dưỡng của khoai sọ
Khoai sọ thuộc họ Ráy, có củ cái và củ con. Khác với khoai môn hay khoai lang, củ khoai sọ nhỏ hơn, nhiều củ con và nhiều tinh bột hơn. Ở nước ta phổ biến một số giống khoai sọ là khoai sọ núi, khoai sọ trắng, khoai sọ dọc trắng.
Trong khoai sọ có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như: Protein, chất béo, chất xơ, tinh bột, fructose, canxi, photpho, magie, natri, kali, sắt, kẽm, đồng, vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin...
Khoai sọ nhiều chất xơ, giúp tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Ngoài ra, khoai sọ còn là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể với nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Khoai sọ có tác dụng gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, việc ăn khoai sọ thường xuyên mang lại cho người dùng nhiều lợi ích.
Tốt cho tim mạch: Khoai sọ chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe như kali, kẽm, đồng, sắt, mangan và magie. Kali là thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch của cơ thể, góp phần điều hòa nhịp tim. Đối với người có huyết áp cao, kali còn có tác dụng ổn định và làm giảm huyết áp.
Hỗ trợ tiêu hóa: Khoai sọ là một trong những nguồn cung cấp chất xơ rất dồi dào. 100g khoai sọ cung cấp 4,1g chất xơ, tương đương 11% nhu cầu chất xơ của cơ thể hằng ngày. Ngoài ra, trong khoai sọ còn có carbohydrate phức hợp, làm chậm quá trình tiêu hóa. Nó có tác dụng giúp nhuận tràng, phòng ngừa táo bón hữu hiệu;
Cải thiện hệ thống miễn dịch: Khoai sọ rất giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, phòng chống được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Hỗ trợ điều trị viêm thận: Khoai sọ có hàm lượng lớn vitamin và photpho, tốt cho người bị viêm thận. Những người mắc bệnh này có thể thêm khoai sọ vào chế độ ăn uống hằng ngày của mình (nấu canh khoai sọ rau muống, canh khoai sọ nấu thịt) nhưng nêm gia vị nhạt hơn so với bình thường.
Ngăn ngừa suy nhược cơ thể: Nhu cầu năng lượng từ gluxit cần chiếm 60 - 70% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Khoai sọ là loại thực phẩm chứa nhiều gluxit, cung cấp nhiều năng lượng để nuôi dưỡng tế bào thần kinh và phòng chống suy nhược cơ thể.
Một số món ăn từ củ khoai sọ
Báo Vietnamnet dẫn nguồn bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết:
Khoai sọ có giá trị dinh dưỡng gấp 1,5 lần khoai tây. Hạt tinh bột của khoai sọ có kích thước nhỏ nhất so với hạt của các cây lương thực khác nên dễ tiêu hóa.
Bạn có thể tham khảo các món ăn nhiều tác dụng với khoai sọ. Ví dụ, củ thường luộc để ăn chống đói, khoai sọ nấu với cá quả hay cá diếc giúp điều hòa nội tạng, bổ dưỡng. Khoai nấu canh với rau rút, cua đồng giúp dễ ngủ, bớt mệt mỏi. Củ khoai sọ thái nhỏ, nấu sôi, lấy nước tắm chữa mẩn ngứa. Bẹ lá dùng nấu giấm với cá, ốc, thịt hoặc dùng để muối dưa ăn.
Canh khoai sọ có thể chữa cơ thể suy nhược, dùng cho người mới ốm dậy. Nếu bị nổi ban dị ứng, đau nhức chân tay, có thể làm món khoai sọ hầm xương lợn. Ngoài ra, khoai sọ còn dùng trong một số bài thuốc như chữa phong ngứa, lở loét ở trẻ em, tiêu chảy, bệnh mề đay.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()