Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:26 (GMT +7)
5 nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho bệnh nhân tiểu đường sau điều trị Covid-19
Thứ 5, 05/08/2021 | 09:41:16 [GMT +7] A A
Sau điều trị Covid-19, một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp là yếu tố rất quan trọng để người bệnh hồi phục sức khỏe.
Người bệnh sau khi điều trị Covid-19 dễ bị suy dinh dưỡng
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau thời gian điều trị Covid-19, thể trạng sức khỏe của người bệnh nhìn chung sẽ bị suy giảm.
"Hệ tiêu hóa và các cơ quan hô hấp của người bệnh bị suy yếu, người bệnh rất dễ mệt mỏi, chán ăn nên có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Khi bị suy dinh dưỡng sẽ làm giảm khối lượng cơ và các chức năng sống, người bệnh dễ đối mặt với tình trạng suy kiệt", TS Hưng cho hay.
Do đó, theo chuyên gia này, sau điều trị Covid-19, một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp là yếu tố rất quan trọng để người bệnh hồi phục sức khỏe. Đối với người có bệnh nền đái tháo đường, việc xây dựng chế độ ăn lại càng quan trọng, bởi nếu chế độ ăn không hợp lý có thể "phản tác dụng", ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Cách xây dựng chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường sau điều trị Covid-19
Theo TS Hưng, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường, trong trường hợp này, cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe, nhưng cần đảm bảo sự cân bằng về cả số lượng lẫn chất lượng để có thể duy trì chỉ số đường huyết ở mức "an toàn".
TS Hưng phân tích: "Về cơ bản, chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là kiểm soát chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, cũng như tránh hạ đường huyết khi xa bữa ăn, giúp ổn định đường huyết trong ngày và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa. Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể người bệnh; đồng thời cân đối các chất sinh năng lượng để duy trì mục tiêu đường huyết theo khuyến nghị và quan trọng nhất là phải điều độ, không bỏ bữa và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ"
Hạn chế đường đơn, thức ăn hàm lượng đường cao
Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn sẽ gây ra các nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Vì thế chế độ ăn phải kiểm soát lượng Glucid (chất bột đường). Nên sử dụng các loại Glucid phức hợp dưới dạng các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, rau và củ. Nên hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do Glucid cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.
Phối hợp đa dạng các loại thực phẩm
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, bữa ăn cần đa dạng, nên phối hợp 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu đỗ, đậu phụ...). Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần.
"Người mới khỏi bệnh nên chọn protein (chất đạm) có giá trị sinh học cao và cung cấp các axit amin thiết yếu. Các axit amin có vai trò duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia vào các hàng rào bảo vệ, sự dịch chuyển và hấp thu các chất dinh dưỡng. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: tim, gan, óc, lòng... Nên ăn 2-3 bữa cá/tuần, 2-3 quả trứng/tuần và uống thêm sữa chuyên biệt cho người bệnh đái tháo đường từ 1-2 cốc/ngày", TS Hưng nhấn mạnh, "Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do chất đạm cung cấp chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng khẩu phần".
Ưu tiên chất béo không bão hòa
Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp chiếm khoảng 20-30% tổng năng lượng khẩu phần. Nên lựa chọn các chất béo không bão hòa, có lợi cho sức khỏe và giảm chất béo bão hòa vì có nhiều axit béo bão hòa, dễ gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, hạn chế sử dụng mỡ, bơ…., nên ăn các axit béo không bão hòa có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương...
Tăng cường rau củ quả và nước cho cơ thể
Đặc biệt, khẩu phần ăn của bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19 cần tăng lượng rau quả, bởi các vitamin (A, C, D, E…) và khoáng chất (sắt, kẽm,…), chất chống oxy hóa có nhiều trong nhóm thực phẩm này có tác dụng rất tốt với những người sau điều trị bệnh.
"Các loại rau củ quả là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, rau quả còn góp phần giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600 g/người/ngày", TS Hưng nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, người bệnh Covid-19 thường bị mất nước và chất điện giải do tình trạng sốt, viêm phổi và nhiễm trùng. Vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.
Chia nhỏ bữa ăn
Với người bị đái tháo đường nên ăn ít nhất 3 bữa/ngày, nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Với người bệnh đang điều trị bằng Insulin tác dụng chậm hoặc người có nguy cơ bị hạ đường huyết trong đêm, nên cân nhắc cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.
Sau điều trị Covid-19, người bệnh cũng thường có tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng. Do đó, cần chú ý cách chế biến để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn.
"Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn ngon miệng hơn", TS Hưng cho hay.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()