Khoảng một giờ sau khi ăn cơm với cà độc dược, 5 người trong gia đình ở huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk nôn ói, sốt và co giật.
5 người, gồm mẹ 57 tuổi, một người con và 3 cháu, tuổi 4 đến 20, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cấp cứu. Đến tối cùng ngày, họ được chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chẩn đoán ngộ độc cà độc dược.
Đến sáng nay 22/8, sức khỏe các bệnh nhân tạm ổn định, đang được các bác sĩ theo dõi điều trị.
Cà độc dược được dân gian coi là một vị thuốc, gọi tên dương kim hoa, tác dụng khử phong thấp, chữa hen suyễn, chống co bóp do loét dạ dày, say sóng hoặc nôn mửa khi đi máy bay. Lá cây có thể dùng đắp ngoài mụn nhọt để khỏi đau nhức.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cây cà độc dược có chứa alcaloid là chất có khả năng gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách.
Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả cuốn "Từ điển cây thuốc Việt Nam", ghi nhận cà độc dược được trồng làm cảnh phổ biến ở nhiều vùng miền nước ta. Tuy nhiên ít người biết rằng cây này có chứa alcaloid, chủ yếu là scopolamine gây ảo giác mạnh giống thành phần trong cây hoa loa kèn độc, ngoài ra còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin. Lá cũng có nhiều hyoscyamin. Lượng scopolamine được tìm thấy nhiều nhất ở hoa.
Do những thành phần độc tính trên, cây cà độc dược được xếp vào bảng có độc tính cao. Các thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng. Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá, có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.
Ý kiến ()