Theo tiến sĩ, dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn 5 loại thuốc không kê toa này trong nhà và dùng theo thông tin hướng dẫn hoặc tư vấn của thầy thuốc.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Sốt là phản ứng phòng vệ của hệ miễn dịch cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Khi trẻ sốt nhẹ, phụ huynh có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách không dùng thuốc như uống nhiều nước, chườm ấm... Nếu trẻ sốt cao và không hạ sốt kịp thời có thể bị co giật, sốc. Lúc này, cha mẹ cần hạ sốt khẩn cấp cho trẻ bằng thuốc hạ sốt.
Paracetamol, Ibuprofen là hai loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến. Tùy thuộc vào từng người, độ tuổi liều lượng dùng thuốc sẽ khác nhau. Phụ huynh cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Thuốc ho
Ho là một trong những triệu chứng thường gặp khi hệ hô hấp bị kích ứng hay mắc các bệnh về đường hô hấp. Phụ huynh có thể để sẵn trong tủ thuốc một số loại thuốc ho từ thảo dược, như thuốc bào chế từ cao khô lá thường xuân.
Thuốc chữa rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chứng bụng, táo bón, tiêu chảy... là vấn đề trẻ thường gặp vào dịp Tết, khi chế độ ăn uống được nới lỏng. Do đó, cha mẹ nên trữ sẵn một số thuốc trị táo bón, tiêu chảy, đầy hơi.
Tiêu chảy khiến trẻ mất nước nhanh chóng. Trẻ cần được bù nước bằng dung dịch Oresol hoặc Hydrite với liều lượng phù hợp giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do mất nước.
Thuốc chữa dị ứng
Không khí lạnh, tiếp xúc nhiều với khói bụi, phấn hoa... làm tăng nguy cơ bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, khiến trẻ hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, thậm chí khó thở. Có thể sử dụng các loại thuốc Loratadin, Desloratadin...
Thuốc chống dị ứng có thể làm giảm các triệu chứng này. Tương tự với trường hợp dị ứng thức ăn, hải sản, thuốc giúp làm dịu cảm giác ngứa khó chịu.
Thuốc sát trùng
Mỗi gia đình nên để sẵn một lọ thuốc sát trùng ngăn ngừa nhiễm trùng do té ngã, đứt tay... Cồn (Alcool) 70-90 độ để sát khuẩn tay trước khi xử lý vết thương. Dầu khuynh diệp giúp sát khuẩn và giảm sưng tại các vết đốt của côn trùng.
Ngoài ra, bông, băng, gạc y tế, nhiệt kế, bộ đo huyết áp, máy đo huyết áp... là những vật dụng y tế cần có trong tủ thuốc gia đình. Nếu trong nhà có người mắc các bệnh nền như huyết áp, tim mạch, hen suyễn cần đảm bảo luôn sẵn các loại thuốc chuyên dụng và uống theo toa bác sĩ.
Tiến sĩ Hiền Trung khuyến cáo thuốc được trữ sẵn cần được bảo quản đúng cách, tránh để nơi quá nóng. Không phải bất kỳ trường hợp nào cũng dùng được các loại thuốc đang trữ tại nhà. Ví dụ, nếu trẻ bị ngộ độc, có biểu hiện tiêu chảy thì thuốc cầm tiêu chảy sẽ không được sử dụng trong trường hợp này. Trước khi dùng thuốc, phụ huynh nên thông báo chi tiết cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bé.
Ngoài ra, cần lưu ý dạng thuốc phù hợp cho độ tuổi, chẳng hạn trẻ nhỏ cần dùng dạng thuốc bột, sirô...; người lớn có thể dùng các dạng thuốc viên. Người bệnh có các triệu chứng diễn biến nặng cần đưa đến cơ sở y tế để khám kịp thời.
Ý kiến ()