Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:32 (GMT +7)
5 loại đồ uống cần thận trọng khi dùng chung với thuốc
Thứ 6, 11/11/2022 | 15:08:10 [GMT +7] A A
Đồ uống chúng ta dùng hằng ngày có ảnh hưởng rất nhiều tới tác dụng của thuốc chữa bệnh. Một số đồ uống có tương tác bất lợi với thuốc tới mức nguy hiểm…
1. Đồ uống chứa caffeine
Caffeine có trong đồ uống như cà phê, trà, nước ngọt và các loại nước tăng lực khác. Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng huyết áp và lợi tiểu.
Caffeine sẽ được phân hủy trong gan. Một số loại thuốc như: Kháng sinh ciprofloxacin, thuốc kháng histamin H2 (cimetidine) và thuốc tránh thai… có thể can thiệp vào cơ chế này trong gan và làm tăng nồng độ caffein trong máu. Khi quá liều caffein có thể gây khát nước, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt…
Mặt khác, caffein cũng ức chế sự chuyển hóa của các thuốc như theophylline, dẫn đến làm tăng nồng độ theophylline trong máu, dễ bị các tác dụng phụ bao gồm mất ngủ, bồn chồn và rối loạn nhịp tim. Do đó, bệnh nhân dùng theophylline không nên uống đồ uống có chứa caffeine.
Nước ép bưởi là một trong những loại nước trái cây nổi tiếng có thể tương tác với thuốc. Nó ức chế một loại enzyme có thể làm giảm sự chuyển hóa của thuốc và làm tăng nguy cơ phát triển các tác dụng phụ.
Có nhiều loại thuốc có thể tương tác với nước ép bưởi. Ví dụ, một số statin giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp (thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine, nifedipine và verapamil), thuốc tránh thai có chứa estrogen, thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ amitriptyline và clomipramine), một loại thuốc được sử dụng ngăn ngừa thải ghép nội tạng (cyclosporin), và thuốc trị sốt rét (như quinin).
3. Sữa
Ion canxi có trong sữa (và các sản phẩm từ sữa) che phủ thuốc và có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc.
Hầu hết chúng ta được khuyên không dùng thuốc kháng axit (vì có chứa canxi) cùng các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều loại thực phẩm được tăng cường canxi. Nước cam, bánh mì và các loại thực phẩm khác được làm giàu canxi có thể dẫn đến tương tác giống như với thuốc kháng axit có chứa canxi và các sản phẩm từ sữa.
Các kháng sinh fluoroquinolon (ví dụ: ciprofloxacin, levofloxacin) có thể mất tác dụng khi dùng cùng lúc với các sản phẩm từ sữa hoặc bổ sung canxi. Để giảm sự tương tác này, sử dụng quinolon đường uống ít nhất hai giờ trước hoặc sáu giờ sau liều bổ sung canxi đường uống hoặc thực phẩm giàu canxi.
Kháng sinh tTetracycline cũng tương tác với việc sử dụng đồng thời canxi và / hoặc các sản phẩm từ sữa có nhiều canxi. Thuốc trị loãng xương bisphosphonates (alendronate, risedronate và ibandronate) có sinh khả dụng thấp và ít thuốc được hấp thu khi dùng chung với bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào khác ngoài nước; điều này đặc biệt có vấn đề với các sản phẩm sữa.
Mức độ cefuroxime, một kháng sinh cephalosporin, giảm khi dùng chung với các sản phẩm từ sữa. Các cephalosporin khác dường như không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nồng độ methotrexate (thuốc trị viêm khớp dạng thấp) giảm khi tiêu thụ thực phẩm giàu sữa.
Theo nguyên tắc chung, việc sử dụng các sản phẩm từ sữa và / hoặc chất bổ sung canxi nên cách xa thuốc tương tác ít nhất từ hai đến bốn giờ.
4. Nước ép trái cây
Nước ép táo và nước cam là những ví dụ khác về nước ép trái cây có thể tương tác với thuốc. Chúng cạnh tranh với các loại thuốc để được hấp thụ, dẫn đến mức độ thuốc được hấp thụ vào máu thấp hơn.
Sự hấp thu của fexofenadine (một chất kháng histamine), bị giảm nhẹ khi uống với nước cam và nước táo. Các thuốc kháng histamine khác như cetirizine và loratadine có thể bị ảnh hưởng nhưng không ở mức độ tương tự như fexofenadine.
Sự hấp thu của các thuốc chứa amphetamine (ví dụ, adderall sử dụng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD) bị thay đổi, nếu dùng chung với thức ăn hoặc nước trái cây có tính axit hoặc vitamin C.
Sự hấp thu tối đa của amphetamine xảy ra trong môi trường kiềm của ruột. Các loại trái cây hoặc nước trái cây có tính axit được tiêu thụ đồng thời với các loại thuốc này có thể làm giảm khả năng hấp thu qua đường tiêu hóa. Thực phẩm làm axit hóa nước tiểu có thể làm tăng thanh thải amphetamine qua thận, dẫn đến giảm nồng độ thuốc. Một trong những đối tượng lớn nhất sử dụng các loại thuốc này là trẻ em (đối với chứng tăng động giảm chú ý), nên tránh dùng các loại thuốc này với nước táo hoặc nước cam vào buổi sáng.
5. Rượu
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tránh uống rượu, vì rượu có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của nhiều loại thuốc.
Danh sách các loại thuốc có đặc tính an thần khi sử dụng với rượu rất nhiều, điển hình là benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc kháng histamine, thuốc giãn cơ, thuốc chống loạn thần và thuốc chống co giật…
Khi dùng đồng thời các loại thuốc này với rượu, bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị mất điều hòa, buồn ngủ, suy hô hấp và suy giảm khả năng vận động, có thể dẫn đến ngã, tai nạn và thương tích.
Sử dụng quá nhiều acetaminophen (thuốc hạ sốt, giảm đau) cùng với uống rượu thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan. Khuyến cáo người bệnh không dùng quá 4 g acetaminophen trong 24 giờ và không dùng cùng với rượu.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()