Trẻ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất như vitamin A, C, D, nhóm B, choline, sắt, canxi, kali... để tăng trưởng và phát triển. Dưới đây là 5 lầm tưởng thường gặp về dinh dưỡng khi chăm sóc con của nhiều cha mẹ.
Trẻ phải ăn kiêng giảm calo để giảm cân
Trẻ thừa cân ăn rất ít calo so với nhu cầu có thể giảm cân nhưng không kéo dài. Trẻ cũng khó có thể tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trong thời gian dài vì dễ đói, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Phụ huynh nên khuyến khích con ăn uống hợp lý để không thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
Ăn ít chất béo có nghĩa là lượng calo thấp
Không phải tất cả thực phẩm ít chất béo đều ít calo. Các món ít chất béo thường có những chất khác như đường, muối có thể tăng thêm calo. Cha mẹ nên kiểm tra nhãn trước khi chọn thực phẩm ít chất béo để tốt cho trẻ.
Trẻ nên ăn vặt thường xuyên
Trẻ em và hầu hết người lớn nên có 1-2 bữa ăn nhẹ mỗi ngày để đủ năng lượng giữa các bữa chính. Tuy nhiên, ăn vặt suốt cả ngày ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng. Bé ăn vặt khi chơi thường không đói khi đến bữa chính.
Trẻ ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt thường xuyên sẽ gây hại. Tiêu thụ lượng lớn đường làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường, ung thư. Sinh tố rau, sữa chua quả mọng, nước cam, hạt bí ngô là món nhẹ lành mạnh, cung cấp vitamin C, kẽm giúp bé tăng miễn dịch.
Trẻ cần uống nhiều sữa mỗi ngày
Hầu hết cha mẹ đều cho con uống sữa mỗi ngày để xương và răng chắc khỏe. Mặc dù sữa cung cấp canxi dồi dào nhưng nếu trẻ không thích sữa, ép con uống có thể khó khăn, đôi khi phản tác dụng. Ngoài sữa còn có nhiều thực phẩm cung cấp canxi và dưỡng chất khác như vitamin D, K giúp bé tăng chiều cao.
Ăn một quả trứng mỗi ngày đáp ứng nhu cầu protein
Phụ huynh luôn muốn con có đủ dưỡng chất để phát triển thể chất, tinh thần toàn diện. Cách tốt nhất là đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng.
Trứng cung cấp protein tốt giúp bé tăng trưởng. Tuy nhiên, bé còn nhiều sự lựa chọn khác như đậu nành, thịt nạc, sữa, các loại đậu, các loại hạt giàu protein. Bé ăn đa dạng thực phẩm giàu protein trong mỗi bữa có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Bé 1-3 tuổi nên tiêu thụ 13 g; bé 4-8 tuổi cần ít nhất 19 g; độ tuổi 9-13 tối thiểu là 34 g protein mỗi ngày.
Ý kiến ()