Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:32 (GMT +7)
5 gia vị làm ấm cơ thể trong ngày giá rét sẵn có trong căn bếp
Thứ 3, 23/01/2024 | 17:09:39 [GMT +7] A A
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại cái lạnh. Vì thế, bạn có thể tập trung vào các loại gia vị có khả năng làm tăng sinh nhiệt và lưu lượng máu, giúp làm ấm cơ thể.
1. Cơ thể chống lạnh ra sao?
Để hoạt động bình thường, cơ thể phải duy trì nhiệt độ từ 36 đến 37,5 độ. Nhiệt độ của cơ thể được điều khiển bởi vùng dưới đồi trong não. Điều chỉnh nhiệt dựa trên hai cơ chế: Nhiệt phân giúp loại bỏ nhiệt dư thừa và sinh nhiệt cho phép tạo ra nhiệt. Cơ chế này đặc biệt được sử dụng khi nhiệt độ giảm xuống.
Cơ thể có thể đối phó với cái lạnh bằng cách kích hoạt quá trình trao đổi chất thông qua hormone (adrenaline, thyroxine) hoặc bằng cách tăng hoạt động cơ bắp (sự rùng mình vì rét hoặc hoạt động thể chất).
Mô mỡ màu nâu, được tạo thành từ các tế bào đốt cháy glucose, có thể tạo ra nhiệt. Nếu cơ chế này xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh thì người lớn lại có rất ít.
Đồ ăn cũng có tác dụng chống rét. Chúng ta thường nghĩ đến nước dùng, súp và các món ăn mùa lạnh... mà quên mất gia vị. Chúng có thể giúp ích rất nhiều trong việc chống lại cái lạnh.
2. Một số loại gia vị kích thích trao đổi chất làm tăng sinh nhiệt, giúp làm ấm cơ thể
Nhà dinh dưỡng học Raphaël Gruman (nười Pháp) giúp chúng ta xác định các loại gia vị làm ấm cơ thể, mà chắc chắn chúng có trong tủ bếp của bạn.
- Gừng: Gừng có tác dụng giúp máu lưu thông, từ đó làm ấm tứ chi và tránh cảm giác ớn lạnh. Theo y học cổ truyền, gừng tươi được gọi là sinh khương có tác dụng điều tiết nhiệt độ cơ thể. Mùa lạnh sinh khương làm ôn ấm huyết dịch khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, giúp cơ thể đỡ lạnh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý gừng tươi là vị thuốc có công dụng phòng bệnh, chữa bệnh với nguyên nhân gây bệnh là phong hàn. Với bệnh cảnh nguyên nhân khác, tuyệt đối không dùng mà nên có sự tham vấn của người có chuyên môn.
Gừng khi dùng sống có tác dụng chữa bệnh, khi dùng dạng chín tác dụng chữa bệnh giảm đi. Không nên sử dụng gừng trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.
- Quế: Quế kích thích quá trình trao đổi chất và do đó làm tăng sinh nhiệt. Quế có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, chống lại cái giá lạnh của thời tiết và hỗ trợ điều trị một số rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Ngoài ra, quế hỗ trợ tiêu hóa, giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn.
Cách sử dụng: Có thể thêm quế vào các món ăn phù hợp như một loại gia vị vừa làm tăng hương vị của món ăn, đồng thời có tác dụng làm ấm cơ thể, trừ lạnh. Ngoài ra, có thể sử dụng bột quế hòa với mật ong hay pha trà quế để uống hoặc nhai trực tiếp một mảnh quế.
Quế được dùng dưới hình thức tán bột, mỗi ngày từ 0,5-5g. Hoặc dùng vỏ quế mài với nước hoặc hãm quế trong nước đun sôi hay rượu quế, si-rô quế hoặc dùng phối hợp với một số vị thuốc khác trong các bài thuốc.
Quế có tính đại nhiệt nên không dùng trong các trường hợp có thai, các chứng xuất huyết, các trường hợp viêm nhiễm, thực nhiệt.
- Hạt tiêu đen: Không chỉ là gia vị, hạt tiêu đen cũng là một thảo dược tốt cho sức khỏe, giúp làm ấm cơ thể, trị cảm lạnh, cảm cúm, đầy bụng, chậm tiêu... Hạt tiêu đen giúp tăng tuần hoàn máu, kích thích các cơ quan của cơ thể vận hành. Từ đó, hỗ trợ đưa khí từ trung tâm cơ thể đến tứ chi và giúp làm ấm cơ thể.
Đặc tính nóng và kích thích cơ thể tăng tiết mồ hôi của tiêu đen rất hữu ích trong việc chữa trị cảm lạnh, cảm cúm. Tuy nhiên, khi sử dụng lượng lớn hạt tiêu đen có thể gây ra chóng mặt và các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa.
Liều lượng khuyến nghị khi sử dụng hạt tiêu đen như một loại thảo là từ 1 đến 15g mỗi ngày. Người có cơ địa nóng, khô, thường xuyên cảm thấy bứt rứt, nóng trong, không nên sử dụng hạt tiêu đen quá nhiều, sẽ khiến cơ thể càng nóng hơn.
- Ớt quả: Ớt là một thứ gia vị của mùa lạnh. Các đồ ăn có chút ớt sẽ làm ta cảm thấy ngon miệng và ấm áp hơn. Trong ớt có những chất chủ yếu sau đây: Capsaicin (một alkaloid), vitamin C, capsanthin – chất màu có tinh thể thuộc loại carotene, vitamin B1, B2, acid citric, acid malic…
Theo Đông y quả ớt vị cay, tính nóng (nhiệt), vào hai kinh tâm và tỳ; có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau). Kinh nghiệm dân gian thường dùng chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, xương khớp sưng đau…
Ớt tuy giúp làm ấm cơ thể nhưng không phải ai cũng dùng được. Những người bị đau mắt, âm hư hỏa vượng, mụn nhọt sưng tấy mưng mủ nên hạn chế dùng ớt.
- Nghệ: Nghệ là một chất chống oxy hóa và làm loãng máu. Ngoài ra, nghệ còn làm lành vết thương, chống viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, bảo vệ gan, ngừa ung thư…
Nghệ chứa một lượng sắt và mangan cao cũng như hàm lượng vừa phải của vitamin B6 và kali. Đây đều là những chất có vai trò quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của tế bào và giúp tăng cường miễn dịch, do đó giúp cơ thể chống lạnh tốt hơn.
Tuy có nhiều công dụng tốt nhưng cũng không nên lạm dụng, tiêu thụ không quá 5g bột nghệ với người 50kg trong một ngày là an toàn. Lạm dụng tinh bột nghệ có thể gây độc cho gan.
Ngoài ra, nếu nhiệt độ giảm xuống, việc tập trung vào thói quen ăn uống tốt để tăng cường khả năng miễn dịch cũng rất hữu ích. Chọn trái cây và rau quả theo mùa, giàu vitamin C. Cá béo để cung cấp vitamin D, sô cô la đen và trái cây sấy khô để cung cấp magiê và các loại súp, trà và trà thảo dược cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể trong mùa lạnh, cũng là một cách giúp cơ thể chống lạnh tốt hơn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()