Kinh tế toàn cầu nhìn chung ổn định năm sau với tăng trưởng xấp xỉ 3%, lạm phát hạ nhiệt, sa thải bớt nóng nhưng còn rủi ro thương chiến.
"Nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Lạm phát giảm theo mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định", Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định.
Năm 2024, OECD dự báo tăng trưởng GDP thế giới đạt 3,2%, tương đồng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tổ chức này đánh giá, lãi suất cao để chống lại lạm phát đã không gây ra sự suy thoái mạnh mà hầu hết các nhà dự báo lo ngại. Trong khi, chi tiêu cho dịch vụ và nhu cầu lao động vẫn mạnh.
Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng trung ương tiến hành cắt giảm lãi suất và một cuộc hạ cánh mềm - tức hạ nhiệt nền kinh tế mà không gây suy thoái - "đang trong tầm tay". Những hiện trạng này giúp kinh tế toàn cầu bước sang năm 2025 ở vị thế tương đối tốt, theo S&P Global (Mỹ). Sau đây là một số dự báo chủ chốt:
GDP toàn cầu tăng khoảng 3%, 'biến số' ở Mỹ
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2025, OECD lạc quan hàng đầu với mức 3,3%, tiếp đến là IMF với 3,2%. Thận trọng hơn, Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt là 3% và 2,7%. Triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực.
Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng nhanh hơn các nước phát triển khác trong năm thứ 3 liên tiếp, đạt 2,5%. OECD cho rằng con số này có thể đạt đến 2,4%. Kinh tế Châu Âu dự báo chỉ tăng 1,3%, Nhật Bản 1,5%, Trung Quốc 4,7%, theo OECD. Tuy nhiên, "biến số" còn phụ thuộc vào Mỹ.
"Kết quả cuộc bầu cử Mỹ mở ra những thay đổi về chính sách, với tác động sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế toàn cầu", Seth Carpenter, Kinh tế trưởng Morgan Stanley nói. Ông cho rằng nhà đầu tư sẽ đối mặt với bất ổn tăng.
Theo Goldman Sachs, GDP eurozone có thể chỉ tăng 0,8% năm sau, do chính sách thuế quan và quy định mới của Mỹ - đặc biệt mạnh nếu có chiến tranh thương mại. Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi thuế quan của ông Trump, nên GDP năm sau chỉ tăng 4,1%, theo S&P Global.
"Trong khi các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi dự kiến nền kinh tế này vẫn bị ảnh hưởng bởi thuế quan thương mại của Mỹ đối với hàng xuất khẩu", phân tích của S&P nhận định.
Rủi ro thương chiến ở mức trung bình
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc sẽ định hình các thị trường hàng hóa toàn cầu vào năm 2025, theoReuters. Không có mô hình nào có thể dự đoán kết quả rõ ràng. Giá dầu thô, khí hóa lỏng, quặng sắt, than và kim loại sẽ khó đoán hơn bao giờ hết.
Ông Trump áp thuế lên tới 60% đối với hàng Trung Quốc và 20% đối với tất cả các quốc gia khác, có thể nắn lại dòng chảy thương mại, thúc đẩy lạm phát và dẫn đến chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.
Goldman Sachs cho rằng nếu bất ổn thương mại tăng lên mức cao như giai đoạn 2018-2019, GDP của Mỹ có thể giảm 0,3%, trong khi eurozone và Trung Quốc giảm đến 0,9% và 0,7%. "Chúng tôi có thể hạ dự báo nhiều hơn nếu thương chiến leo thang hơn", Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius nói.
Nếu ông Trump tăng thuế, rủi ro thương chiến ở mức trung bình, do các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác sẽ được thiết kế để tránh leo thang căng thẳng với Washington, theo tổ chức nghiên cứu Capital Economics (Anh).
Họ cho rằng biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác sẽ được thiết kế để tránh leo thang căng thẳng với Washington. Điều này phù hợp với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và đồng nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng - dù khiêm tốn - trong năm tới.
Kịch bản xấu hơn là Liên minh châu Âu và Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ, chẳng hạn như nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ. Ngoài ra, việc để đồng tiền của họ yếu đi so với USD cũng có thể bị Washington coi là hành động "tránh" thuế quan và là lý do để Mỹ áp đặt các biện pháp bảo vệ thêm. Khi ấy, cuộc chiến thương mại bùng nổ thật sự và nghiêm trọng có thể làm giảm 2-3% GDP thế giới.
Nhưng cũng có khả năng ông Trump chỉ đe dọa như một chiến thuật đàm phán. Trong kịch bản này, ông Trump có thể không tăng thuế nếu tin rằng đã "chiến thắng" trong giao dịch với các nước khác.
Lạm phát giảm, lãi suất khó hạ sâu
Lạm phát, vốn khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư lo ngại trong vài năm qua, tiếp tục bình thường hóa năm tới, theo Morgan Stanley. Tuy nhiên, tiến độ có thể chậm lại và tình hình cụ thể sẽ khác nhau từng quốc gia.
Lạm phát ở các quốc gia OECD dự kiến sẽ giảm thêm, từ 5,4% trong năm 2024 xuống 3,8% trong năm 2025 nhờ vào chính sách tiền tệ vẫn duy trì tính thắt chặt. Tại Mỹ, lạm phát có thể phục hồi vào cuối 2025 do giá cả và chi phí lao động tăng cao bởi chính sách thuế quan và nhập cư mới của ông Trump. Tại khu vực đồng euro và Anh, lạm phát sẽ giảm dần đều.
Ở châu Á, Nhật Bản - nơi giảm phát là vấn đề kinh tế trong nhiều thập kỷ, Ngân hàng Trung ương (BOJ) đã điều chỉnh dự báo lạm phát cho năm tài chính 2025 từ 2,1% xuống 1,9%. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến chống giảm phát. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán lạm phát ở nước này khó phục hồi lên mức dương khi nguồn cung dư thừa tái xuất hiện do gián đoạn thương mại.
Theo Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius, một lý do chính khiến mọi người lạc quan về tăng trưởng toàn cầu là lạm phát giảm nhiều hai năm qua, gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các hành động khác nhau do tình hình đặc thù. Việc nới lỏng của Fed sẽ bị trì hoãn vào giữa năm 2025, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh có thể tiếp tục cắt giảm. Ngân hàng Nhật Bản sẽ tăng lãi suất hai lần vào 2025, theo Morgan Stanley.
Tuyển dụng ổn định, ảnh hưởng bởi AI
Dù có nhiều kế hoạch sa thải lớn công bố năm nay, OECD cho rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp theo lịch sử. Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius nói thị trường việc làm đang dần cân bằng lại.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành ManpowerGroup đánh giá sau những biến động nhân sự trong các quý gần đây, các công ty đã dần thích nghi với tình hình kinh tế bất ổn và duy trì lực lượng lao động hiện có.
Khảo sát triển vọng việc làm mới nhất của ManpowerGroup thu thập dữ liệu từ hơn 40.000 nhà tuyển dụng tại 42 quốc gia cho biết kế hoạch tuyển dụng vào quý I/2025 tương đối ổn định so với quý cuối 2024 và chỉ giảm 1% so với cùng kỳ.
"Bước sang năm 2025, chúng tôi thấy xu hướng tuyển dụng ổn định, với các nhà tuyển dụng giữ chân nhân tài đang có và lên kế hoạch tuyển dụng một ít trong quý tới", Jonas Prising, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành ManpowerGroup nói,
Trong khi, LinkedIn lạc quan hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi mạnh, với 52% công ty được hỏi dự định thuê thêm người, so với chỉ 24% trong năm trước. Doanh nghiệp nhỏ lạc quan hơn so với tổ chức lớn về việc mở rộng đội ngũ. Một xu hướng là nhiều nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên kỹ năng thực tế hơn bằng cấp.
Mạng xã hội nghề nghiệp này cũng đánh giá thị trường việc làm toàn cầu tiếp tục trải qua những thay đổi lớn do xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sự thay đổi kỳ vọng của lực lượng lao động và các diễn biến kinh tế.
Niềm tin tiêu dùng chưa cất cánh
Niềm tin tiêu dùng là chỉ báo phản ánh cảm nhận của người dân về nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân, cũng như khả năng họ sẽ chi tiêu. Tâm trạng của họ về 2025 hé lộ triển vọng xuất nhập khẩu, bán lẻ - dịch vụ, thị trường chứng khoán.
The Conversationdự báo nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường năm 2025, với tăng trưởng liên tục về thu nhập thực tế, giúp thúc đẩy sức mua. Tuy nhiên, một số người Mỹ đang chịu áp lực tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp về cuối năm nhích lên dù vẫn ở mức thấp. Do đó, sức mua vẫn tăng trong "lạc quan thận trọng".
Tại châu Âu, chỉ số niềm tin tiêu dùng eurozone tháng 12 do Ủy ban châu Âu (EC) khảo sát đạt -14.5 điểm, tiếp tục giảm so với mức -13,7 điểm hồi tháng trước. Sang năm sau, dự báo chỉ số sẽ cải thiện, dao động quanh -2. Tại eurzone, chỉ số này nằm trong mức từ -100 đến 100. Trong đó, mốc 0 thể hiện tính trung lập tâm lý.
Ở châu Á, IMF dự báo tăng trưởng đạt 1,9% vào 2025, với niềm tin tiêu dùng các nền kinh tế lớn biến động và thách thức khác nhau do chính sách kinh tế và biến động thị trường toàn cầu.
Với Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 4,5% cho năm 2025, tăng 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Nhưng họ cảnh báo rằng niềm tin chưa mạnh của hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng với những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng.
Tại Hàn Quốc, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 12 do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc khảo sát đã giảm mạnh còn 88,4 điểm từ 100,7 điểm trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Hơn 50% người dân được hỏi dự kiến sẽ giảm chi tiêu năm sau, đặc biệt trong du lịch, ăn uống và giải trí, do lo ngại về tình hình kinh tế.
Tình hình tích cực hơn ở Nhật Bản, với niềm tin tiêu dùng tháng 11 tăng so với tháng 10. Ngân hàng trung ương nước này định tiếp tục tăng lãi suất do dự báo lạm phát nhích lên, có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
Còn nhiều bất ổn dai dẳng
OECD cho rằng xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng, tác động tiêu cực đến niềm tin và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang cũng nguy cơ kìm hãm phát triển thương mại quốc tế. "Căng thẳng địa chính trị gây ra những rủi ro ngắn hạn, tỷ lệ nợ công cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu", Tổng thư ký OECD Mathias Cormann tóm lược.
Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, các nước cần nới lỏng chính sách tiền tệ thận trọng đảm bảo áp lực lạm phát được kiềm chế lâu dài; tái thiết không gian tài khóa nhằm tạo dư địa chi tiêu công. Giới chức và doanh nghiệp cũng phải lưu ý đến tình trạng thiếu hụt lao động đang là thách thức đối ở nhiều quốc gia và càng trầm trọng thêm bởi già hóa dân số, theo Kinh tế trưởng OECD Alvaro Pereira.
Vì vậy, ông cho rằng cần tập trung thúc đẩy giáo dục và phát triển kỹ năng, giảm các rào cản gia nhập thị trường, tạo thêm cơ hội đầu tư và nâng cao tính linh hoạt của lực lượng lao động. "Cải cách cơ cấu là điều kiện thiết yếu để xây dựng nền tảng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn", ông nói.
Ý kiến ()