Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:49 (GMT +7)
5 bệnh mùa thu hay gặp và lời khuyên của bác sĩ
Thứ 4, 24/08/2022 | 09:39:56 [GMT +7] A A
Thời tiết mùa thu được coi là dễ chịu nhất trong năm, nhưng cũng là mùa thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Các cơn gió lạnh, thời tiết thay đổi trong ngày, hanh khô khiến các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, dị ứng, cơ xương khớp, cảm lạnh… gia tăng và trở nặng.
Sốt và cảm lạnh, cảm cúm
Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho virut gây bệnh phát triển và lây lan. Sốt hay gặp trong thời điểm giao mùa là sốt do virut, biểu hiện dưới các dạng như sốt phát ban, cúm… nền nhiệt độ từ 38,5oC trở lên. Đối tượng dễ mắc bệnh là người già và trẻ em do sức đề kháng yếu.
Triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc sốt do virut là sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó tự khỏi. Ở thể nặng hơn người bệnh sốt ly bì 5-7 ngày và dễ gặp các biến chứng viêm long đường hô hấp cấp trên, viêm phổi…
Cảm lạnh là bệnh hay gặp ở mùa đông nhưng cũng dễ mắc vào mùa thu khi đi ngoài trời bị mưa ướt, nằm ngủ bật quạt thốc thẳng vào đầu và người, hoặc khi thời tiết thay đổi. Dấu hiệu bị cảm lạnh là nhức đầu, nóng sốt, ớn lạnh, đau ê ẩm khắp toàn thân, đau họng, ho...
Bệnh tim mạch
Khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Những người có vấn đề về tim mạch sẽ gia tăng khi thời tiết đang hè chuyển thu. Thậm chí cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh, do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu.
Nếu thấy có vấn đề về tim mạch hay huyết áp, cần chú ý theo dõi, đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp.
Nhóm các bệnh đường hô hấp
- Viêm đường hô hấp trên (viêm họng, VA, amidan) cấp tính và mạn tính:
Khi viêm hô hấp cấp tính gây sốt cao kèm ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và chuyển thành mạn tính.
- Viêm đường hô hấp dưới: Viêm phế quản, viêm thanh quản, khí quản, tiểu phế quản, phổi là bệnh hay gặp, dễ mắc. Bệnh gây khó thở, khò khè, ho nhiều về đêm và sáng, có đờm,…
Mùa này 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.
Các chứng bệnh viêm phổi, viêm tắc thanh quản và khí quản gây ho nhiều và dữ dội về ban đêm, thờ khò khè, thậm chí ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn…
Đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp là bệnh điển hình vào mùa thu, nó không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, hiện nay, phụ nữ sau tuổi 35 đều có thể bị bệnh khớp. Hậu quả của bệnh loãng xương là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương.
Khi bị loãng xương, nếu có một lực tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...) thì sẽ xuất hiện gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay.
Thoái hóa khớp có thể dẫn đến sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn và đầu xương bị tổn hại nghiêm trọng, người bệnh đứng trước nguy cơ phải thay khớp nhân tạo để có thể duy trì khả năng vận động. Có rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp mà hậu quả nặng nề nhất là gây tàn phế cho người bệnh.
Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, người cao tuổi nên chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh thất thường. Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp thể trạng từng người.
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh độ ẩm, nhiệt độ thay đổi xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói…là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản…
Dị ứng thời tiết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều có mức độ nhẹ nhưng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập,… Dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm nhưng cũng có khả năng tiến triển mãn tính, dai dẳng ngay cả khi điều trị tích cực.
Dị ứng thời tiết có triệu chứng khá điển hình. Các triệu chứng của bệnh thường bùng phát mạnh sau khi tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, phấn hoa hoặc độ ẩm cao có trong không khí,… Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp bị dị ứng thời tiết đều xuất hiện triệu chứng ở da và cơ quan hô hấp. Đôi khi đi kèm với triệu chứng ở mắt và cổ họng nhưng ít phổ biến hơn.
Lời khuyên của chuyên gia
Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch gần như không có phản ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Nhưng đối với trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh nền thì khi thời tiết giao mùa sẽ là điều kiện thuận lợi chi các bệnh trên trở nặng. Vậy bạn cần thực hiện như sau:
-
Tiêm vaccin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
-
Cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân.
-
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, khoa học. Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
-
Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất.
-
Luyện tập nhiều hơn, rèn luyện hằng ngày. Sự thay đổi nhiệt độ giữa hai mùa sẽ khiến dễ có nguy cơ bị cảm lạnh vào những buổi sáng và buổi tối. Chính vì thế, khi luyện tập, nên chú ý việc lựa chọn trang phục phù hợp với nhiệt độ của môi trường.
-
Thường xuyên đeo khẩu trang
-
Cho người bệnh uống nhiều nước
-
Giữ trong, ngoài nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Khi ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hằng ngày sạch sẽ.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()