Bác sĩ y khoa gia đình người Mỹ, tiến sĩ Robert Danoff cho biết chúng ta có thể giúp não bộ phát triển để tiếp thu, sắp xếp và lưu giữ thông tin, cũng như tạo những ký ức mới.
Dưới đây là một số hoạt động được chứng minh rằng có thể cải thiện trí nhớ và giúp não bộ luôn trẻ trung.
Lặp lại
Lặp lại là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện trí nhớ. Khi bạn muốn nhớ lại điều gì đó vừa nghe, đọc hoặc nghĩ đến, hãy lặp lại thành tiếng hoặc viết ra.
Theo cách đó, bạn củng cố trí nhớ hoặc kết nối. Ví dụ, nếu vừa nghe tên ai đó, hãy nhắc tên khi nói chuyện với họ. "Vậy, Phương ơi, bạn gặp Đức ở đâu?".
Nếu bạn đặt đồ đạc ở nơi khác ngoài vị trí thông thường, hãy tự nói to những gì bạn đã làm.
Tách ra
Dù lặp lại là tốt, nhưng nên giãn thời gian ra. "Không nên lặp lại điều gì đó nhiều lần trong thời gian ngắn như thể đang nhồi nhét cho một kỳ thi", tiến sĩ Danoff nói.
Thay vào đó, bạn hãy học lặp lại những điều cốt yếu sau những khoảng thời gian ngày càng dài hơn, một lần một giờ, sau đó vài giờ một lần, rồi hàng ngày. Việc giãn cách các khoảng thời gian học tập đặc biệt có giá trị khi bạn đang cố nắm vững thông tin phức tạp, chẳng hạn các chi tiết của một công việc mới.
Tiếp tục học tập
Học những điều mới giúp não bộ luôn nhạy bén và cải thiện trí nhớ. Tiến sĩ, bác sĩ thần kinh Lenny Cohen, phòng khám Chicago Neurological Services ở Chicago (Mỹ), cho biết.
Theo Cohen, những người thông thạo từ hai ngôn ngữ trở lên luôn đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ so với những người chỉ học một ngôn ngữ. Học ngoại ngữ giúp cải thiện tính minh mẫn và nhạy bén của não.
Bạn có thể tìm kiếm thức, trải nghiệm mới bằng cách tham gia các lớp học, hội thảo hoặc lớp học trực tuyến để học kỹ năng mới và cho tâm trí luôn bận rộn.
Dành thời gian cho bạn bè
Dành thời gian cho bạn bè và gia đình là chìa khóa giúp trí nhớ bạn mạnh mẽ. "Duy trì các kết nối xã hội cũng hỗ trợ sức khỏe nhận thức và bảo vệ trí nhớ", tiến sĩ Cohen nói.
Chuyên gia khuyên nên tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa, các hoạt động xã hội và dành thời gian cho những người thân yêu.
Di chuyển
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để ngăn ngừa suy giảm nhận thức là tập thể dục thường xuyên. "Suy giảm nhận thức phổ biến gấp đôi ở người lớn từ 45 tuổi trở lên không tập thể dục so với người lớn tập thể dục thường xuyên", tiến sĩ Cohen cho biết.
Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não. Đặt mục tiêu kết hợp các bài tập aerobic và rèn luyện sức mạnh trong ít nhất 150 phút mỗi tuần, sẽ giúp ích cho cả thể chất lẫn não bộ.
Ý kiến ()