Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:42 (GMT +7)
4 yếu tố gây nhồi máu cơ tim cấp cần lưu ý
Thứ 4, 08/11/2023 | 14:14:29 [GMT +7] A A
Nhồi máu cơ tim cấp một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Đây là tình trạng hoại tử cơ tim do thiếu máu cơ tim cục bộ. Nguyên nhân thường gặp nhất là do vỡ mảng xơ vữa với sự hình thành của cục máu đông trong động mạch vành, dẫn đến ngăn cản lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim.
Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim ước tính hàng năm ở Hoa Kỳ là khoảng 750.000 trường hợp, trong đó 550.000 ca nhồi máu cơ tim mới được chẩn đoán lần đầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch trong đó 85% là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh có xu hướng trẻ hóa làm gánh nặng cho hệ thống y tế ngày càng tăng lên.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.
Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ là do:
-
Tình trạng hút thuốc lá;
-
Xúc động, căng thẳng quá mức;
-
Gắng sức quá mức;
-
Viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,…
-
Sau chấn thương, phẫu thuật…
Các yếu tố nguy cơ được xác định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp
- Do cholesterol trong máu cao
Một trong những nguyên nhân nhồi máu cơ tim điển hình nhất là mỡ máu cao. Trong máu tồn tại 3 loại chất béo, trong đó có cholesterol tốt, cholesterol xấu và chất béo trung tính. Khi tỷ lệ và hàm lượng các chất béo này ở mức bình thường, hệ tim mạch và sức khỏe đều tốt. Song nếu chất béo xấu tăng lên, các mảng xơ vữa sẽ hình thành từ thành động mạch, tích tụ theo thời gian và dần gây tắc nghẽn.
Cholesterol trong máu vừa là sản phẩm do cơ thể sản xuất ra, vừa do thực phẩm cơ thể hấp thu hàng ngày. Nguyên nhân khiến cholesterol trong máu cao, đặc biệt là cholesterol xấu là do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.
- Do bệnh tăng huyết áp
Huyết áp cao khiến động mạch phải chịu áp lực lớn hơn, nếu kéo dài chúng có thể bị giãn, yếu, dễ bị đứt và gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Đây cũng là nguyên nhân nhồi máu cơ tim rất phổ biến.
- Do bệnh lý mạn tính
Những người bệnh đái tháo đường, gout có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cao hơn người bình thường, việc can thiệp cấp cứu và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
- Do một số nguyên nhân khác
Hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, những người thừa cân, béo phì, lười vận động,… là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Bên cạnh đó, cơn nhồi máu cơ tim dễ xuất hiện với biến chứng nặng ở những người cao tuổi, tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh tim mạch,…
Ai có nguy cơ mắc bệnh cao?
Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở một số đối tượng:
-
Người cao tuổi, nam trên 55 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh;
-
Người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu, ít vận động, ăn mặn, lối sống tĩnh tại, thể trạng béo phì;
-
Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;
-
Sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.
Lời khuyên thầy thuốc
Đầu tiên cần thiết lập và duy trì một lối sống lành mạnh:
-
Bỏ thuốc lá,
-
Không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích,
-
Tập thể dục đều đặn hàng ngày, kiểm soát cân nặng,
-
Sinh hoạt và làm việc khoa học, tránh các căng thẳng stress,
-
Có một chế độ ăn hợp lý: hạn chế đồ chiên, xào, rán, ăn nhiều rau xanh, ăn nhạt…
Những người có các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần khám, theo dõi định kỳ bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh kịp thời chế độ ăn, lối sống cũng như sử dụng các thuốc cần thiết.
Khi có biểu hiện gợi ý nhồi máu cơ tim đặc biệt là đau ngực trái đột ngột, người bệnh cần nhanh chóng gọi sự trợ giúp từ người nhà hoặc trung tâm y tế gần nhất để được đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp động mạch vành. Tại đây người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim và tiến hành các biện pháp điều trị chuyên sâu khi chẩn đoán nhồi máu cơ tim được thiết lập.
Những người bệnh mắc nhồi máu cơ tim cần được điều trị tại các trung tâm tim mạch có đơn vị can thiệp động mạch vành, đảm bảo đủ khả năng chẩn đoán và tiến hành các can thiệp chuyên sâu như: can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối động mạch. Đặc biệt có đủ khả năng cấp cứu và hồi sức tim mạch khi tình trạng suy tim tiến triển nặng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()