Đường tiêu hóa chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn, đóng vai trò then chốt trong nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả hệ thống miễn dịch và sức khỏe tâm thần. Hệ vi sinh vật này có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, các thói quen hàng ngày khác, làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và hại trong đường ruột. Dưới đây là 4 thói quen có thể gây rối loạn đường ruột.
Không ăn đủ chất xơ
Lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ khoảng 21-25 g, nam giới là 30-38 g. Nếu không nạp đủ mức này, vi khuẩn có lợi trong ruột có thể bị ảnh hưởng, bởi chúng phân hủy chất xơ hòa tan, từ đó tạo ra các sản phẩm phụ lành mạnh để ruột hấp thụ.
Chất xơ không hòa tan hỗ trợ kiểm soát táo bón bằng cách nhuận tràng, thúc đẩy nhu động ruột hoạt động bình thường. Thiếu loại chất xơ này có thể khiến phân tiếp xúc với tế bào ruột và vi khuẩn, dẫn đến sản xuất các chất thải của vi khuẩn quá mức, cuối cùng gây viêm cục bộ.
Để ổn định đường tiêu hóa, mọi người nên ăn cả hai loại chất xơ. Loại hòa tan có nhiều trong các món ăn như yến mạch, lúa mạch, trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi), các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phộng). Ăn hạt lanh, hạt chia, bông cải xanh, dâu tây để tăng thêm loại không hòa tan.
Không uống đủ nước
Hydrat hóa ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa bằng cách hỗ trợ các quá trình như như động đường ruột, bài tiết và loại bỏ chất thải. Không uống đủ nước có thể dẫn đến táo bón, ảnh hưởng đến sự cân bằng, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Mọi người nên uống đủ nước mỗi ngày, người trưởng thành khoảng 1,8-2 lít mỗi ngày.
Căng thẳng
Một số người cảm thấy buồn nôn khi căng thẳng hoặc bồn chồn nếu lo lắng. Điều này cho thấy các tín hiệu từ não ảnh hưởng đến đường ruột. Stress cũng có thể làm gián đoạn quá trình giao tiếp giữa não và ruột, gây đau, đầy hơi cùng những cảm giác khó chịu khác ở dạ dày. Thậm chí, nó còn có liên quan đến những thay đổi trong hệ vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ngủ đủ giấc, thiền, yoga và tập thể dục thường xuyên là những cách góp phần giảm căng thẳng.
Ngủ không đủ giấc
Khi không ngủ đủ giấc, hệ tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng xấu. Đồng hồ sinh học bên trong cơ thể chi phối tất cả khía cạnh, bao gồm cả đường tiêu hóa và hệ thống miễn dịch. Khi nhịp sinh học không ổn định (chủ yếu do ngủ không đủ giấc), chức năng tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.
Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe thúc đẩy giấc ngủ lành mạnh hơn (bao gồm cả ít tỉnh giấc vào ban đêm). Tuân thủ chu kỳ ngủ - thức hàng ngày cũng hỗ trợ các chức năng tự nhiên của cơ thể tốt hơn. Người lớn nên duy trì thời gian ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, tắm nước ấm hay thiền, hít thở sâu giúp ngon giấc hơn.
Ý kiến ()