Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:01 (GMT +7)
4 nguyên nhân gây tiêu chảy
Chủ nhật, 14/08/2022 | 07:30:30 [GMT +7] A A
Tiêu chảy là tình trạng rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, dễ xuất hiện vào mùa hè.
Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Thu Phương, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng từ 3 lần/ngày trở lên (hoặc tương đương với lượng phân lỏng từ 250 g/ngày trở lên).
Tiêu chảy được chia làm 3 loại: Tiêu chảy cấp (<2 tuần); tiêu chảy kéo dài (14-29 ngày); tiêu chảy mạn tính (từ 30 ngày trở lên).
Theo bác sĩ Thu Phương, các nguyên nhân thường gặp gây bệnh cảnh tiêu chảy bao gồm:
Tiêu chảy do virus
Tiêu chảy do virus thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân hay gặp nhất là Rotavirus, có thể gây tiêu chảy nặng ở trẻ dưới 2 tuổi. Cha mẹ có thể phòng bệnh bằng cách cho trẻ uống vaccine.
Các virus khác có thể gặp như: Enterovirrus, Adenovirrus, CMV…
Do vi khuẩn
Vi khuẩn E.Coli có 5 tuýp gây bệnh. Trong đó, E.Coli sinh độc tố ruột là căn nguyên hay gặp nhất. Trên lâm sàng, người bệnh có thể gặp tiêu chảy phân lẫn máu hoặc bệnh cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn Samonella (thương hàn) sẽ có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, có thể có gan, lách to.
Người nhiễm khuẩn Shigella (lỵ trực khuẩn) thường sốt cao, tiêu chảy phân nhầy kèm máu tươi, đau quặn, mót rặn.
Vi khuẩn Vibrrio Cholerae (tả) gây tiêu chảy bằng độc tố, có thể làm mất nước và điện giải nặng. Bệnh nhân thường tiêu chảy phân đục trắng như nước vo gạo.
Ngoài ra, một số loại vi khuẩn gây tiêu chảy bằng độc tố như tụ cầu vàng (nôn, tiêu chảy, đau bụng, thường không sốt); Clostridium perfingens (gặp khi ăn phải thức ăn chưa chín hoặc nấu lại); Closstridium botilum (gây bệnh cảnh ngộ độc thịt).
Do nhiễm ký sinh trùng
Lỵ a-míp (Entamoeba histolytica) là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa. Bệnh gây tổn thương ở đại tràng. Bệnh thường có tiến triển kéo dài và dễ trở thành mạn tính nếu không được điều trị đúng.
Bác sĩ Phương cho hay hầu hết người bị mắc bệnh sẽ không có triệu chứng nghiêm trọng. Nhưng một số người lại có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng gọi là hội chứng lỵ, gồm 3 triệu chứng chủ yếu là: Đau quặn bụng; mót rặn và đi ngoài “giả” (thường xuyên cảm giác mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều); đi ngoài nhiều lần, phân nhầy máu...
Ngoài ra, nguyên nhân khác gây tiêu chảy do ký sinh trùng là bệnh viêm ruột. Bệnh do ký sinh trùng Giardia lamblia, dạng nhiễm trùng đường ruột. Tại Mỹ, bệnh viêm ruột do ký sinh trùng Giardia lamblia được ghi nhận là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến nhất.
Bệnh có thể bị nhiễm ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh trẻ em thường cao hơn người lớn. Giardia lamblia gây tiêu chảy không kèm theo sốt, đau bụng, chướng bụng, thường kéo dài.
Do các nguyên nhân khác không nhiễm khuẩn:
Theo bác sĩ Thu Phương, ngoài các nguyên nhân trên, người dân còn có thể bị tiêu chảy do các bệnh lý sau:
- Co thắt đại tràng.
- Tác dùng phụ của thuốc: Chống viêm không steroid, thuốc nhuận tràng, thuốc điều trị gout...
- Bệnh lý viêm đường tiêu hóa: Viêm loét trực tràng chảy máu, bệnh Crohn.
- Hội chứng kém hấp thu gặp trong suy dinh dưỡng.
- Khối u: U đường tiêu hóa hoặc di căn ruột của các loại ung thư.
- Nội tiết: Đái đường, ung thư biểu mô, hội chứng Zollinger-Ellison.
"Hầu hết trường hợp tiêu chảy tiêu chảy mức độ nhẹ đều tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài nhiều ngày với mức độ nặng hơn, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị", bác sĩ Phương nói.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()