Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 00:04 (GMT +7)
4 lưu ý giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 2024
Thứ 3, 16/04/2024 | 14:26:16 [GMT +7] A A
Tăng trưởng GDP quý I/2024 có nhiều tín hiệu tích cực, song vẫn đối mặt với những khó khăn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, Việt Nam cần lưu ý 4 vấn đề.
Tín hiệu tích cực của kinh tế quý I/2024
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2024 tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực bước đầu và nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
Bên cạnh đó, lạm phát quý I/2024 tương đối ổn định. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân quý I tăng 2,81%. Khu vưc kinh tế đối ngoại đạt được nhiều chuyển biến quan trọng, nhà đầu tư nước ngoài duy trì niềm tin và sự lạc quan đối với thị trường Việt Nam, thể hiện qua mức tăng 13,4% của tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá phục hồi mạnh, tính chung quý I/2024 kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và nhập khẩu hàng hoá lần lượt đạt 92,88 tỷ USD và 85,08 tỷ USD, tương ứng tăng 16,8% và 14,0% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu hàng hoá đạt 7,8 tỷ USD.
“Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngay cả trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, bất định, qua đó đóng góp vào đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của cả nước” – TS Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình hình kinh tế thế giới vẫn đối diện nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị vẫn phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, khủng hoảng Biển Đỏ, xung đột ở dải Gaza, Nga – Ucraina đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng, hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó là những khó khăn, bất động mới, bao gồm những cân nhắc thận trọng liên quan đến điều hành lãi suất ở Mỹ…
4 lưu ý cho Việt Nam
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần lưu ý 4 vấn đề, bao gồm: Thứ nhất, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến giá hàng hóa.
“Nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải carbon, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam nếu không có những điều chỉnh kịp thời” – TS Trần Thị Hồng Minh thông tin.
Thực tế, khảo sát của Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho thấy, 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp, và 34,2% nhìn nhận nhu cầu thị trường quốc tế ở mức thấp trong quý I/2024. Mặc dù đã tăng lên trên mốc 50 trong 2 tháng đầu năm, chỉ số PMI tháng 3/2024 đã giảm xuống 49,9, cho thấy một dấu hiệu lo ngại khác về thị trường đầu ra.
Đặc biệt, bà Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: Qua trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây cho thấy, không ít doanh nghiệp lo ngại về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay quy định chống phá rừng (EUDR).
Thứ hai, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023, trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%. Mức tăng trưởng tín dụng này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 là 15%.
Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt với khó khăn không nhỏ về tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.
"Điều này cho thấy năng lực hấp thụ tín dụng cần phải được đánh giá cụ thể - kể cả trong mối quan hệ với thị trường đầu ra cho doanh nghiệp - để có những giải pháp cải thiện phù hợp" - Viện trưởng CIEM - bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Thứ ba, chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I/2024 đã tăng tới 29,3% so với quý IV/2023, và tăng 85,44% so với quý I/2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I/2024 tăng tới 28,27% so với quý IV/2023. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành du lịch, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh.
Thứ tư, việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động cho doanh nghiệp. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng. Đối với không ít doanh nghiệp mới có đơn hàng xuất khẩu trở lại sau một thời gian khó khăn, tăng lương tối thiểu vùng có thể có ảnh hưởng nhất định.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()