Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:14 (GMT +7)
4 điều cần biết về thuật ngữ công nghệ hot nhất hiện nay: Metaverse
Thứ 6, 12/11/2021 | 13:51:19 [GMT +7] A A
Cách đây không lâu, Mark Zuckerberg đã có mặt tại buổi công bố đổi tên đế chế truyền thông xã hội của mình thành “Meta”. Theo đó, cái tên này được lấy cảm hứng từ một khái niệm khoa học viễn tưởng, gọi là metaverse. Hệ sinh thái Meta bao gồm Facebook giờ đây đang đánh cược vào nó vì cho rằng vũ trụ ảo sẽ mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của Internet.
Nhưng chính xác metaverse là gì, vì sao các công ty công nghệ như Google, Tencent hay Nvidia lại hào hứng với nó?
Khái niệm và sự hình thành của metaverse
Thuật ngữ “metaverse” đã được tiểu thuyết gia Neal Stephenson đặt ra trong cuốn “Snow Crash”. Ông mô tả metaverse như một thế giới ảo, nơi con người tương tác với nhau thông qua việc sử dụng dụng avatar kỹ thuật số. Ngoài ra, metaverse còn trở thành đề tài cho những bộ phim khoa học viễn tưởng như “The Matrix” hay “Ready Player One”.
Giờ đây, Facebook cho thấy tham vọng biến ý tưởng tạo ra thế giới số trở thành hiện thực. Mark Zuckerberg đã hình dung ra một kịch bản, giúp kết nối hai người cách xa nhau có thể cùng tham dự một buổi hòa nhạc, hay đồng nghiệp ở các quốc gia khác nhau có thể làm việc như thể đang trong cùng một căn phòng.
Để có thể ứng dụng ý tưởng này vào thực tại, các thiết bị công nghệ giúp giao tiếp giữa thực và ảo là không thể thiếu, bao gồm kính VR, AR, công nghệ đồ họa đa chiều, mô phỏng AI, sức mạnh điện toán và còn rất nhiều thứ khác.
Vì sao metaverse lại khiến các công ty công nghệ hứng thú đến thế?
Trước sự phổ biến của mạng xã hội, Internet và điện thoại thông minh, các công ty công nghệ đang tìm kiếm một lĩnh vực mới để chinh phục, mà trong trường hợp này là metaverse.
Có trong tay thương hiệu kính VR Oculus thông dụng hàng đầu hiện nay, Facebook xem metaverse như “sự kế thừa của Internet di động”, CEO Zuckerberg cho biết trong buổi công bố đổi tên thương hiệu. Ngoài Facebook, các gã khổng lồ khác như Microsoft, Apple và Google cũng đang dồn nguồn lực vào công nghệ thực tế ảo VR và thực tế ảo tăng cường AR.
Hãng phát triển chip Nvidia cũng cho thấy sự quyết tâm trong việc tiến thân vào lĩnh vực metaverse. Cụ thể, để quảng bá cho nền tảng Omniverse của mình, Nvidia đã tổ chức một sự kiện kỹ thuật số vào tháng 4. Những người tham gia thuyết trình tại sự kiện giờ đây được thay thế hoàn toàn bằng các hình ảnh đại diện kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ cũng Trung Quốc cũng đang nắm bắt cơ hội. Gã khổng lồ trò chơi điện tử và mạng truyền thông xã hội Tencent đã đệ gần 100 đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến metaverse lên các cơ quan chức năng từ tháng 9. Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng đăng ký cho mình một vài nhãn hiệu liên quan.
Về phần cứng, công ty sản xuất linh kiện điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Foxconn đang ấp ủ kế hoạch trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng metaverse.
Những thách thức được đặt ra
Mang đến cho người dùng những trải nghiệm phong phú đồng nghĩa với việc yêu cầu mạng lưới Internet cần phải có đường truyền đủ mạnh với độ trễ thấp, mà cụ thể đây là kết nối 5G, yếu tố tiên quyết để phát triển thành công metaverse.
Các yêu cầu về phần cứng như chip xử lý hiệu năng cao để chạy các thuật toán phức tạp, cùng loạt thiết bị công nghệ như kính VR cho phép người dùng hòa mình vào thế giới kỹ thuật số cũng được xem như một hạn chế.
Phần lớn những loại kính VR hiện nay vẫn còn khá nặng và thường gặp vấn đề về độ phân giải hình ảnh, gây cảm giác chóng mặt và buồn nôn cho người dùng sau thời gian dài sử dụng. Chưa kể, việc khai thác tối đa khả năng tính toán như điều hướng bằng cử chỉ cũng khiến thiết bị ngốn rất nhiều pin.
Sau cùng, yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của metaverse là nội dung đa dạng. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi các nhà phát triển cần đầu tư vào phần mềm dựng 3D, vốn cực kỳ đắt đỏ và không phải cũng có điều kiện để mua được.
Trong khi các công ty chạy đua để trở thành người dẫn đầu metaverse, các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Sự cường điệu xoay quanh metaverse chỉ là cách các nhà sản xuất quảng bá để đưa các công nghệ VR và AR vào sử dụng tốt hơn, nhà phân tích công nghệ Donnie Teng trả lời với Nikkei.
“Khái niệm này đã có từ lâu, đến nay nó một lần nữa nổi lên và khiến mọi người chạy theo khám phá những tiềm năng mà chưa có lời giản. Việc các công ty công nghệ có thể xây dựng tốt cơ sở hạ tầng và ứng dụng vào thực tế một cách hiệu quả để thực sự hiện thực hóa giấc mơ tạo dựng thế giới metaverse hoàn toàn ảo hay không vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn”, Teng cho biết.
Mối lo về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng trong vũ trụ ảo
Frances Haugen, cựu nhân viên tố cáo Facebook, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press rằng, metaverse “sẽ yêu cầu chúng tôi đặt nhiều cảm biến hơn nữa trong nhà và nơi làm việc”. Ngoài ra cô cho biết Facebook “nên có một kế hoạch minh bạch cho metaverse trước khi bắt đầu xây dựng nền tảng ảo này”.
Ngoài Haugen, giáo sư David Reid chuyên nghiên cứu về AI và máy tính không gian tại Đại học Liverpool Hope cũng thúc giục điều chỉnh metaverse trước khi “công nghệ này trở thành hiện thực trong 5 đến 10 năm tới”.
“Metaverse sẽ mang đến những tác động to lớn - nó sở hữu những lợi thế tuyệt vời song song với những mối nguy hiểm đáng sợ. Chúng ta đang ở bước đầu tạo dựng metaverse và rõ ràng, nó cần phải được điều chỉnh hợp lý, minh bạch trước khi quá muộn”, Reid phân tích.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()