Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:16 (GMT +7)
4 bí quyết giúp phổi khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch hô hấp
Thứ 5, 02/01/2025 | 13:49:33 [GMT +7] A A
Phổi là cơ quan hô hấp chính ở vị trí trung tâm của hệ hô hấp bao gồm khí quản, cơ hoành, cơ thành ngực, mạch máu và các mô khác. Tất cả các bộ phận này đều tham gia vào quá trình thở, trao đổi khí cho cơ thể.
Phổi có chức năng quan trọng nhất đó chính là đảm bảo cho quá trình hô hấp diễn ra suôn sẻ. Cơ thể của chúng ta được cung cấp lượng oxy cần thiết nhờ hoạt động của phổi. Phổi cũng giúp cho cơ thể đào thải khí CO2. Nhờ có phổi mà các tế bào nội mô hoạt động và được duy trì một cách hiệu quả giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn, bụi bẩn có thể gây tổn thương cơ thể.
Phổi có vai trò rất quan trọng, chính vì thế mà bộ phận này cũng rất dễ bị tổn thương. Việc chăm sóc đúng cách giúp phổi khỏe mạnh, tăng cường hệ hệ miễn dịch hô hấp là vô cùng quan trọng.
Dưới đây là bí quyết chăm sóc tốt cho phổi, tăng cường hệ miễn dịch hô hấp:
Luyện tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể lực nói chung ở các cường độ khác nhau đều có vai trò làm tăng thể tích khí lưu thông (tăng thông khí phổi), tăng khả năng sử dụng oxy của các mô ở các mức độ khác nhau cả khi gắng sức lúc tập và khi nghỉ ngơi. Điều này có được là do luyện tập thể lực cải thiện cơ lực và tính bền bỉ của các cơ hô hấp, làm giãn nở lồng ngực, cải thiện tưới máu phổi nhờ những thay đổi của hệ mạch máu ở phổi. Luyện tập thể lực còn có tác dụng tăng cường chức năng hô hấp thông qua những biến đổi của tim, hệ tuần hoàn và máu.
Đối với người khỏe mạnh không mắc các bệnh lý có chống chỉ định với việc gắng sức có thể lựa chọn những loại hình vận động theo sở thích và phù hợp với bản thân. Các bài tập sức bền (aerobic, đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi...) là những loại hình vận động ưa khí có vai trò cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn - hô hấp.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và còn gây ra nhiều bệnh khác ảnh hưởng đến chức năng phổi. Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi.
Khi khói thuốc đi vào qua miệng thì người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất, đó là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn.
Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy, thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Vì thế, để phổi khỏe mạnh hãy bỏ thói quen hút thuốc lá.
Hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm
Ô nhiễm không khí hay môi trường ô nhiễm gây tác hại đối với con người là rất nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường không khí chính là tác nhân chính khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh về hô hấp, ung thư…. ngày càng tăng.
Theo WHO, ô nhiễm môi trường không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 4 triệu ca. Chúng không những cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn gây thiệt hại kinh tế gần 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Chúng còn khiến tuổi thọ trung bình của mỗi người giảm đi 2 năm, và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau: Tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Ngoài ra ô nhiễm môi trường không khí còn làm trầm trọng hơn các bệnh hen suyễn, ung thư phổi. Chúng còn tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, tự kỷ hay dễ cáu gắt.
Chính vì vậy, hãy giữ không khí trong lành trong môi trường sống và làm việc. Nếu các công việc đòi hỏi tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất, bạn cần có biện pháp phòng tránh, bảo hộ đúng cách.
Thay đổi chế độ ăn uống, dinh dưỡng tốt cho phổi
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất giúp nâng cao hệ miễn dịch, chức năng của phổi. Bên cạnh các thực phẩm tốt cho phổi, bạn cũng cần tránh một số thực phẩm gây hại, làm tổn thương phổi như:
Thực phẩm nhiều muối bởi nếu ăn nhiều muối dễ bị viêm phế quản kéo dài. Và chế độ ăn nhiều muối có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen suyễn. Vì thế, cần giảm lượng muối trong chế độ ăn bằng cách hạn chế nêm nếm, giảm sử dụng gia vị nhiều muối như nước tương, nước mắm, thịt chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói và đọc kỹ nhãn sản phẩm về hàm lượng muối khi chọn mua.
Tránh xa đồ uống có cồn như rượu, bia, các chất kích thích vì có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn và ảnh hưởng đến tế bào phổi của bạn. Nếu uống quá nhiều, có nhiều khả năng bị viêm phổi và các vấn đề về phổi khác. Nên uống rượu ở mức độ vừa phải, tốt nhất nên lựa chọn uống rượu vang sẽ có lợi hơn cho phổi.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()