Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:53 (GMT +7)
4 bệnh thường gặp ở trẻ dịp đầu Xuân
Thứ 3, 31/01/2023 | 15:14:39 [GMT +7] A A
Sau kỳ nghỉ Tết dài, trẻ em dễ mắc các bệnh do đặc tính hoạt động một số virus, thói quen ăn uống, sinh hoạt bị xáo trộn.
Dưới đây là một số bệnh trẻ thường mắc phải vào dịp đầu Xuân và cách ứng phó được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đưa ra:
Viêm mũi dị ứng, hen phế quản
Vào mùa Xuân phấn hoa rất nhiều, đây là tác nhân quan trọng gây các triệu chứng dị ứng của đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Viêm mũi dị ứng thường có biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi. Hen phế quản thường có biểu hiện thở khò khè, thở rít, khó thở.
Hiện nay, bệnh viêm mũi dị ứng và hen phế quản đã có những loại thuốc phòng bệnh rất hữu hiệu, thường được sử dụng từ 2 tuần trước thời điểm bé thường dị ứng cho đến khi hết thời điểm đó.
Tuy nhiên, các thuốc phòng bệnh của trẻ không giống với thuốc dành cho người lớn, do đó các bậc phụ huynh nên đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa để nhận được hướng dẫn phòng bệnh phù hợp.
Ngộ độc thức ăn
Thực đơn ngày Tết thường được thay đổi hàng ngày cộng thêm thức ăn có thể lưu trữ lâu, thức ăn lạ là nguyên nhân khiến bé dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Triệu chứng ngộ độc là trẻ bị đau bụng, nôn ói liên tục nhiều lần, tiêu chảy sau khi ăn từ 1-6 giờ và rơi vào trạng thái mệt mỏi. Lúc này, cần cho bé nằm nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống dung dịch điện giải đề bù nước do tiêu chảy gây mất nước.
Đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị nếu bệnh không có dấu hiệu chuyển biến tốt
Bệnh cúm
Những ngày đầu năm mới, thời tiết thường lạnh hoặc rét đậm khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu hơn. Bên cạnh đó, trẻ thường được dẫn đến những nơi đông người nên dễ bị lây nhiễm cúm từ người lạ.
Bệnh cúm khiến trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, ho và sốt cao, cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
Lúc này cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ được ngủ nghỉ nhiều hơn, lựa chọn thực đơn giàu dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng, nên tránh cho bé ăn những thực phẩm nhiều dầu, thay vào đó là những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và có nhiều dinh dưỡng như trái cây, các loại súp…
Đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu trẻ sốt cao và tình trạng bệnh lâu khỏi.
Thủy đậu
Mùa xuân là thời điểm rất nhiều trẻ bị mắc bệnh thủy đậu, do bệnh lây lan dễ dàng nên rất dễ gây ra dịch trong cộng đồng. Thủy đậu thường có biểu hiện là bóng nước nổi khắp cơ thể kể cả vùng niêm mạc như miệng, hậu môn.
Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày tuy nhiên trong một số trường hợp nhất là đối với trẻ nhỏ, thủy đậu có thể bội nhiễm gây nhiễm trùng huyết hay xâm lấn vào hệ thần kinh trung ương.
Lúc này cha mẹ cần đeo khẩu trang N95 (nếu chưa bị thủy đậu) hoặc khẩu trang ngoại khoa (nếu đã từng bị bệnh hoặc đã tiêm phòng thủy đậu).
Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Dùng dung dịch xanh – methylen hoặc Castellani để chấm lên các nốt phỏng đã vỡ hoặc mọng nước.
Phối hợp dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt cho trẻ bị thủy đậu theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.
Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả, ăn nguội nếu trong miệng có các nốt phỏng/loét.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()