Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:58 (GMT +7)
3 thói quen xấu đang phá hủy hệ miễn dịch nhanh nhất
Thứ 2, 05/09/2022 | 11:31:12 [GMT +7] A A
Hệ miễn dịch có vai trò rất quan trọng nhưng lại rất dễ bị tổn thương, suy yếu bởi những thói quen sống của con người.
Hệ miễn dịch là 1 hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Kết cấu của chúng phức tạp và nằm ở khắp các nơi trong cơ thể, bao gồm:
- Amidan cổ họng
- Hệ thống tiêu hóa
- Tủy xương
- Da
- Hạch bạch huyết
- Lá lách
- Niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục
Hệ miễn dịch có vai trò chính là chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường xung quanh như các loại virus, vi khuẩn, các loại nấm hay ký sinh trùng. Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu hay tổn thương thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Ví dụ như dễ mắc bệnh, vết thương khó lành và đau ốm triền miên, giảm tuổi thọ…
Vì vậy, hãy tránh xa 3 thói quen xấu đang âm thầm phá hủy hệ miễn dịch sau đây càng sớm càng tốt:
1. Thức khuya
Thức khuya là 1 trong những thói quen sinh hoạt độc hại nhất mà ngày càng nhiều người hiện đại mắc phải. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng, thói quen thức khuya có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Đặc biệt, nếu thức khuya nhiều đêm liền rất dễ khiến bạn mắc bệnh từ cảm lây nhiễm thông thường đến các bệnh mãn tính khó chữa.
Bởi vì khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ giải phóng cytokine và các hormone khác cần thiết cho việc duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ bạn khỏi viêm và nhiễm trùng. Việc thường xuyên thức khuya, sau đó ngủ không đủ 7 - 8 tiếng một ngày sẽ làm suy giảm khả năng ngăn ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch, dễ khiến bạn mắc nhiều loại bệnh. Từ cảm cúm, sốt, ho, đến những bệnh nặng hơn như tim mạch.
Ngoài ra, thức khuya thường xuyên còn mang đến nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, mỡ máu, huyết áp…), tâm thần, não bộ, gan, thận… Vì vậy, tốt nhất hãy ngủ trước 23h và cố gắng ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày, ưu tiên thời gian ngủ vào ban đêm.
2. Chế độ ăn uống không hợp lý
Nhịp sống ngày càng nhanh khiến rất nhiều người có chế độ ăn uống không hợp lý. Trong khi đó, thói quen ăn uống có tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch cũng như sức khỏe con người.
Rượu, bia và chất kích thích là những thói quen xấu hàng đầu tàn phá hệ miễn dịch, tấn công các vi khuẩn có lợi, phát triển các vi khuẩn có hại, làm hại gan, dạ dày. Ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, dầu mỡ, nhiều đường, thừa muối cũng có hậu quả tương tự.
Hơn nữa, các loại đường tinh chế, đường hóa học trong thức ăn, đồ uống đóng chai với lượng calo cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì. Đây là 1 yếu tố nguy cơ cao dẫn tới nhiều bệnh tật và phá hủy hệ miễn dịch rất nhanh.
Hay như việc uống không đủ nước cũng rất hại cho hệ miễn dịch. Nước giúp thải độc khỏi cơ thể, từ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động dễ dàng hơn. Hạn chế các loại nước giải khát có gas và cà phê vì chúng có thể gây hại cho cơ thể.
Bởi caffeine có nhiều trong cà phê sẽ kích thích hệ thống thần kinh, làm tăng mức độ căng thẳng, giải phóng hormone cortisol không có lợi cho hệ miễn dịch. Cuối cùng, ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng, giờ giấc thất thường, ăn kiêng quá mức để giảm cân cũng rất hại cho hệ miễn dịch.
3. Ít vận động
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ, lười vận động có thể làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng khuyến nghị nên dành 150 phút vận động vừa phải như đi bộ nhanh hoặc dành 75 phút hoạt động ở cường độ mạnh mỗi tuần để tăng cường miễn dịch và phòng ngừa bệnh tật.
Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, 60 - 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ít bị cảm lạnh hơn so với những người không rèn luyện thể chất. Thường xuyên tập thể dục có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ngoài việc ít tập thể dục, ngồi lâu 1 chỗ chính là 1 trong những thói xấu của ít vận động thường thấy ngày nay. Trong khi đó, ngồi lâu khiến tuần hoàn máu của chúng ta bị cản trở, dễ tăng cân, béo phì. Từ đó khiến các chức năng khác nhau của cơ thể sẽ kém đi, sức đề kháng và khả năng miễn dịch tiếp tục suy giảm, đau ốm và rất khó phục hồi.
Vì vậy, hãy tránh ngồi lâu 1 chỗ. Nếu đặc thù công việc, học hành phải ngồi nhiều giờ thì hãy đứng dậy đi lại hoặc giãn cơ tại chỗ 30 - 45 phút 1 lần. Ngồi đúng tư thế cũng rất quan trọng. Đặc biệt, bạn nên tăng cường các hoạt động ngoài trời, nếu không thể chơi thể thao, tập thể dục thì đơn giản là hít thở khí trời, tắm nắng cũng tốt cho hệ miễn dịch.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()