Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:00 (GMT +7)
3 năm làm hồ sơ, công nhân vẫn không vay được vốn mua nhà ở xã hội
Thứ 2, 11/09/2023 | 08:07:34 [GMT +7] A A
Đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, tổng diện tích sàn nhà ở 4,8 triệu m2. Để công nhân tiếp cận được NƠXH, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn vay phải giảm điều kiện, thủ tục.
291 dự án đang triển khai
Anh Trần Văn Bắc (quê Nam Định), công nhân một nhà máy sản xuất thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh sinh sống, làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm, phải đi thuê nhà ở, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
“Ba năm gần đây, tôi đều làm hồ sơ mua NƠXH theo chính sách ưu đãi về vay vốn nhưng không đủ điều kiện hoặc số lượng hồ sơ quá nhiều nên chưa được xét duyệt. Thậm chí, tôi cũng chấp nhận mua một căn hộ cách xa chỗ làm nhưng khi đến nơi thì không dám mua vì dự án tuy đã xong nhưng thiếu hạ tầng cơ bản và cũng chưa có ai đến ở” - anh Bắc nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4,8 triệu m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14,5 triệu m2.
Đề án được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ xây dựng khoảng 1.062.200 căn NƠXH, trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ, và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 634.200 căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.
Còn gặp khó khăn
Về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho NƠXH, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn đối tượng, điều kiện khách hàng, chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân. Hiện, có 11 địa phương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, với nhu cầu vay vốn khoảng 12.400 tỉ đồng.
Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan lập tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn. Các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát với thực tế, nói đi đôi với làm của lãnh đạo các cấp, công tác phát triển NƠXH thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Đồng thời cũng kiến nghị một số giải pháp để các bộ, ngành, địa phương cùng nghiên cứu, triển khai căn cứ vào điều kiện thực tế mỗi địa bàn, trong đó quan trọng nhất đó là việc cải cách, giảm tải thủ tục hành chính, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH thành quy trình chuẩn để các địa phương thống nhất thực hiện.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đa số các dự án NƠXH tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công. Một số dự án do tư nhân thực hiện khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án NƠXH rất ít, ngoài ra điều kiện, thủ tục phức tạp.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, không nên áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay. Đặc biệt, có thể thành lập quỹ phát triển NƠXH gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho NƠXH; Vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu Chính phủ/chính quyền địa phương; Vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước; Nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.
TS Trần Xuân Lượng - chuyên gia bất động sản (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho hay, các quốc gia ngay trong khối ASEAN như Singapore, quỹ cho NƠXH đã phát triển rất hiệu quả.
“Quỹ này rất quan trọng, bởi rất khó để ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp. Để không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách, nên phát triển những quỹ này” - chuyên gia Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.
Một số chuyên gia tài chính góp ý, quỹ này nên xuất phát từ Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Tiền từ trái phiếu sẽ đưa vào quỹ, cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp. Ngân hàng nhờ đó mới có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn được.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()