Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:41 (GMT +7)
3 năm Quảng Ninh huy động trên 82.000 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG và Nghị quyết 06
Thứ 5, 22/02/2024 | 17:08:42 [GMT +7] A A
Trong 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 82.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng và các nguồn huy động khác để thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh. Từ nguồn lực này, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai thực hiện phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây.
Huy động tối đa các nguồn lực
Quảng Ninh có tới 33,4% dân số ở khu vực nông thôn, trong đó vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo chiếm tỷ lệ 16,44%, cư trú rải rác trên 85% diện tích của tỉnh ở 67/177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định một trong những khâu đột phá là phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Thực hiện khâu đột phá này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khu vực nông thôn, trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTTQ giai đoạn 2021-2025 về xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Để xây dựng NTM, giảm nghèo đi vào chiều sâu, hiệu quả cũng như phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, HTX, doanh nghiệp trong vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trên quan điểm đó, tỉnh đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có của các vùng, miền, phân bổ và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời ưu tiên hợp lý nguồn lực đầu tư công, tập trung đầu tư dứt điểm vào các công trình giao thông, thủy lợi chiến lược, có tác động lan tỏa mạnh và những công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, viễn thông, nước sinh hoạt, xử lý các điểm ngập lụt trên các tuyến tỉnh lộ huyết mạch; tập trung nguồn lực đối với các thôn ĐBKK và các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK để đạt tiêu chí cứng, bền vững về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã nông thôn mới nhanh chóng tạo ra đột phá phát triển trong điều kiện mới…
Với cách làm đột phá, khoa học, trong 3 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực rất lớn trên 82.000 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG và Nghị quyết 06, trong khi hết năm 2023, một số địa phương trong cả nước có tỷ lệ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt dưới mức bình quân chung của cả nước. Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh chính là đi trúng và khơi dậy sức mạnh của nhân dân. Trong 82.000 tỷ đồng huy động được thì vốn ngân sách Nhà nước Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 20.700 tỷ đồng chiếm 25%, trong đó vốn ngân sách nhà nước (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) là trên 4.400 tỷ đồng, chiếm 5,47%; vốn ngân sách lồng ghép là 16.300 tỷ đồng chiếm 19,88%. Còn nguồn vốn tín dụng là 60.000 tỷ đồng, chiếm tới 73,1%, gấp gần 3 lần so với vốn ngân sách nhà nước. Còn lại vốn của tổ chức doanh nghiệp, HTX là 165,3 tỷ đồng chiếm 0,2% và vốn huy động hợp pháp là trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,35%. Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước, Quảng Ninh thu hút được 4 đồng ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, với quan điểm ngân sách Nhà nước là "vốn mồi" có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, trong 3 năm thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn vốn ngân sách để đầu tư làm đường, trường, trạm với cơ cấu nguồn vốn chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Từ sự đầu tư của nhà nước đã khơi sức mạnh trong nhân dân, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng người dân. Thể hiện rõ người dân đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, đóng góp tiền của, sức lực để xây dựng các công trình công cộng, để làm đường, từ đó làm thay đổi cuộc sống nhân dân.
Lập những kỳ tích mới
Từ nguồn lực lớn đã huy động được, tạo ra không khí sôi nổi thực hiện giảm nghèo, xây dựng NTM toàn tỉnh nói chung và xây dựng phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền đặc biệt vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, 100% số xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh.
Nhiều công trình giáo dục văn hóa, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hạ tầng thương mại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh, vui chơi cho nhân dân. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,25%.
Các mô hình kinh tế ngày càng nhiều với hiệu quả mang lại cao, nhiều hộ gia đình từ cảnh nghèo đói đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí trở thành hộ khá giả, giàu có. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người/năm. Trong đó các xã vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/người/năm, tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2021; tăng 40,7 triệu đồng so với năm 2019 và tăng 60,5 triệu đồng so với năm 2015. Một số địa phương có mức thu nhập rất cao như huyện Cô Tô là gần 115 triệu đồng/người/năm; huyện Vân Đồn có mức thu nhập trung bình 89 triệu đồng; Huyện Đầm Hà (có 6 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi) đạt mức thu nhập là 76,6 triệu đồng/người/năm; huyện Tiên Yên cũng đạt mức thu nhập trên 76,6 triệu đồng. Nhiều địa phương vốn được gọi là vùng “lõi nghèo” nay người dân đã có cuộc sống mới, tiến bộ hơn rất nhiều. Điển hình: Huyện Ba Chẽ có 7 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, thì có đến 4 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, mức thu nhập 69,6 triệu đồng/người/năm. Huyện Bình Liêu có 3/7 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, với mức thu nhập là 64,3 triệu đồng/người/năm.
Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, giảm 258/258 hộ nghèo theo kết quả điều tra cuối năm 2022. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh đã có thêm 21 xã đạt chuẩn nâng cao, và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó, 02 huyện Đầm Hà, Tiên Yên là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 huyện Hải Hà, Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ trình). Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Chương trình xây dựng NTM khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo đã đạt kết quả rất nổi bật. 64/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; 27/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 42,19%, vượt 2,19% so với mục tiêu hết năm 2025; 10/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 15,62%, vượt 5,62% so với mục tiêu hết năm 2025; có 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu.
Những con số “biết nói” đã minh chứng khoa học trong 3 năm qua, xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành công, với những dấu ấn nổi bật được đánh giá là những kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Thành quả đó đã góp phần rất quan trọng tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là nhân tố quyết định sự thành công trong thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()