Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:21 (GMT +7)
3 loại nước uống giúp tăng sức đề kháng khi F0 điều trị tại nhà
Thứ 3, 07/09/2021 | 11:15:57 [GMT +7] A A
Việc tăng sức đề kháng là rất quan trọng đối với F0 điều trị tại nhà. Vì thế ngoài bổ sung dinh dưỡng từ thức ăn, các loại nước uống cũng góp phần tăng đề kháng.
Theo Lương y Nguyễn Minh Phúc - nguyên PCT Hội Đông y TP Vũng Tàu, F0 cách ly, điều trị tại nhà cần tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài thức ăn, nước uống cũng là một công cụ giúp F0 tăng sức đề kháng. Một số nước uống dưới đây F0 nên dùng khi điều trị tại nhà.
Nước đậu xanh rau má
Người bệnh nên dùng khoảng 60 - 100g đậu xanh, 100g rau má tươi hoặc khô. Đậu xanh cả vỏ, rau má rữa sạch nấu nước uống, hoặc đậu xanh nấu nhừ, lấy nước, rau má tươi xay ép nước cốt pha chung uống ngày vài lần. Tác dụng của nước uống này là bổ âm dưỡng huyết giải nhiệt tà, nhuận phế, mát gan giải độc…
Trên lâm sàng chứng bệnh COVID-19 thường có biểu hiện nóng sốt, ho khan đau họng, thở mệt, mất vị giác. Nếu bệnh nặng, sốt cao, khó thở, đau đầu, nhức mỏi, nhiều mồ hôi… bệnh liên quan "phế viêm nhiệt âm hư".
Khi dùng đậu xanh, rau má giải nhiệt tà, mát can giải độc, hạ sốt, từ đó viêm sưng huyết ứ khó thở cũng giảm. Chứng nội nhiệt nóng bứt rứt, khó ngủ, đau đầu, chóng mặt, huyết áp cao, tiểu đường, các chứng liên quan âm hư viêm nhiệt cũng giảm.
Khi chân âm được tư dưỡng thì can khí tự nhiên thư thái. Khi can được thư thái thì tỳ được tự dưỡng. Như vậy thì can tàng huyết, tỳ sinh huyết, tâm điều huyết mạch khí nuôi dưỡng tạng phế và toàn thân tốt, giúp "chính khí mạnh tà khí lui". Từ đó giúp F0 nhanh bình phục giảm tỷ lệ biến chứng nặng.
Đậu xanh vị ngọt tính mát, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng. Đậu xanh chứa nhiều dưỡng chất như protein, axit béo omega-3, các vitamin E, vitamin nhóm B, C, đều là dưỡng chất có lợi tăng sức khỏe. Rau má có vị đắng tính mát. Tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, lợi tiểu… Rau má giàu dinh dưỡng, vitamin, dưỡng chất tăng cường sức kháng thể.
Gia giảm: Nếu tỳ hàn đi tiêu lỏng, bụng đầy cho thêm 3 lát gừng tươi. Nếu ho đàm tức ngực thêm lá tía tô 20 - 40g.
Nước đậu đen, gừng, tía tô
Đậu đen 60 - 80g, gừng tươi 16 - 20g, lá tía tô 40g. Đậu đen ngâm nước 3 - 4 giờ hầm nhừ sau cho gừng. Tía tô thái mỏng đun chín uống hoặc cho thêm ít đường phèn ăn cả cái lẩn nước. Tác dụng làm bổ âm dưỡng huyết, trừ nhiệt độc, giải ngoại tà, hòa ngũ tạng…
Trị chứng nội nhiệt nóng bứt rứt khó ngủ, ngoại cảm sốt ho sợ gió, ho tức ngực khó thở huyết ứ, chứng can thận âm hư hay đau đầu, chóng mặt, huyết áp cao, tiểu đường.
Trên lâm sàng F0 đáng lo nhất là sốt ho, sốt cao, mất tân dịch, huyết ứ ho khó thở. Khi âm huyết tư dưỡng, thì hỏa giáng, can phế bình hòa thư thái. Như vậy phế điều khí, can điều huyết, tâm dẫn huyết, từ đó khí huyết giàu ô xy nuôi dưỡng tạng phế tốt, giúp cho F0 nhanh phục hồi và hạn chế bệnh nhẹ chuyển biến nặng.
Đậu đen theo sách Dược tính chỉ nam có vị ngọt, khí êm, không độc. Tác dụng: Lợi thủy, hạ khí nóng, tiêu thức ăn, trừ gió độc, làm mát trong lòng, tâm thần yên ổn, mắt sáng, huyết lưu thông, trừ thũng, tiêu sưng, trị chứng đau, giải độc.
Gừng tươi, theo sách Tuệ Tĩnh có vị cay ấm. Tác dụng: Thông khí tỉnh thần, trừ tà khí, phục hồi chính khí. Tía tô có vị cay, tính ấm. Tác dụng: Tán hàn giải biểu, lý khí hòa doanh, an thai, giảm co thắt cơ trơn phế quản chữa cảm sốt giảm ho đờm tức ngực.
Gia giảm: Nếu ho đàm ngẹt mũi ớn lạnh ngoại tà phần biểu tăng tía tô, sinh khương. Nếu bụng đầy, tiêu lỏng, tỳ vị hàn, đậu đen rang chín thơm.
Nước đậu trắng hầm tỏi
Đậu trắng hạt nhỏ 60g, tỏi củ 20g. Cho hai vị hầm nhừ lấy nước uống hoặc ăn cả cái lẩn nước, ăn tuần vài lần.
Đậu trắng theo sách Dược tính chỉ nam có vị cam, tính bình, không độc. Tác dụng: Bổ 5 tạng, ấm tràng vị, điều hòa trung tiêu, giúp ích12 kinh mạch, tạng thận có bệnh dùng nó rất tốt. Đậu trắng rất giàu protein, carbohydrat, chất béo, chất xơ, calci, folat và Vitamin C, A, B9, B1,B6.
Tỏi theo sách dược tính có vị cay tính ấm, có độc. Tác dụng: Thông được 5 tạng, lợi được các khiếu, khai vị kiện tỳ trừ chứng khí lạnh, chứng ôn dịch tiêu độc ung nhọt...Tác dụng bổ tỳ hòa trung tiêu, ích thận, thông hòa ngũ tạng, trừ ôn dịch tà khí…
Trị chứng tỳ thận hư yếu sinh đàm thấp ứ trệ, mỡ máu tăng, huyết áp cao, ho đàm nhiều ngực sườn đầy tức, thận yếu huyết ứ nhức mỏi.
Theo đông y, tỳ thận là nơi sinh đờm, phổi là nơi chứa đờm. Khi tỳ thận được tư dưỡng, thận vận hóa tốt, đờm thấp tự tiêu. Từ đó đờm trệ huyết ứ phổi và các nơi cũng giảm, tăng cường khí huyết dinh dưỡng đến tạng phế toàn thân cũng được cải thiện. Đây là cách giúp F0 nhanh bình phục, hạn chế biến chứng...
Gia giảm: Nếu bụng đầy châm tiêu gia thêm 3 lát gừng.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()