Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
“3 hóa” các dây chuyền sản xuất của TKV
Thứ 3, 11/06/2024 | 12:17:00 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh khai thác than ngày càng xuống sâu, để tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn lao động, các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy mạnh ứng dụng 3 “hóa” (cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa) đồng bộ trong các dây chuyền sản xuất. Chiến lược “3 hóa” giúp các đơn vị của TKV khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh…
Công ty CP Than Vàng Danh là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò lớn của TKV với sản lượng khai thác hầm lò hàng năm khoảng 3 triệu tấn/năm, chiếm từ 10-15% tổng lượng than khai thác hầm lò của TKV. Những năm gần đây, Công ty CP Than vàng Danh là một trong những đơn vị điển hình trong Tập đoàn có nhiều ứng dụng “3 hóa” trong khai thác than. Trước đây, để khai thác các khu vực vỉa dốc, Công ty chủ yếu áp dụng công nghệ khai thác chia lớp ngang nghiêng hoặc công nghệ khai thác buồng, lò thượng.
Thực tế sản xuất cho thấy 2 sơ đồ công nghệ khai thác chia lớp ngang, nghiêng và buồng, lò thượng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của mỏ, song sản lượng và năng suất lao động đạt được còn hạn chế (lò chợ ngang nghiêng có sản lượng từ 60.000-80.000 tấn/năm, năng suất lao động đạt từ 4-4,8 tấn/công), chi phí mét lò chuẩn bị cao từ 15-40m/1.000 tấn than, tổn thất than lớn từ 25-35%, đặc biệt là điều kiện làm việc, mức độ an toàn lao động còn hạn chế.
Từ cuối năm 2017, Công ty CP Than Vàng Danh đã đưa vào áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm loại ZRY 25/35L để khai thác điều kiện vỉa dốc có chiều dày vỉa từ 2,5-3,5m. Vị trí áp dụng đầu tiên tại lò chợ I-6-1 số 1 khu I, giếng Vàng Danh. Đến nay, quá trình áp dụng cho thấy, công nghệ đã đạt được những kết quả khả quan như sản lượng khai thác lò chợ ZRY của Than Vàng Danh đã tăng lên hơn 160.000 tấn; tỷ lệ tổn thất tài nguyên giảm xuống còn 17%.
Được biết, ngày 31/5, tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023 (Giải thưởng VIFOTEC), công trình nghiên cứu, thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY đã được giải nhì. Trước đó, năm 2023, công trình nghiên cứu, thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY tại Công ty CP Than Vàng Danh được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023. Hiện nay, sáng kiến này được Công ty CP Than Vàng Danh và các đơn vị trong TKV áp dụng rộng tại những diện khai thác phù hợp.
Triển khai chiến lược “3 hóa” đến nay TKV đã xây dựng nhiều dự án, đề tài, đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ các mỏ trong 5 lĩnh vực, gồm: Khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, một số mỏ trong Tập đoàn, như: Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm II-IV… đang áp dụng hiệu quả nâng cao mức độ cơ giới hoá và hiện đại hoá khai thác than hầm lò. Trong cùng một điều kiện, ở lò chợ khoan nổ mìn, số lao động trung bình 120-180 người/phân xưởng, sản lượng đạt 120.000-180.000 tấn/năm so với lò cơ giới hóa 90 người/phân xưởng và sản lượng đạt 230.000-400.000 tấn/năm, năng suất lao động tăng 1,5-2,5 lần, giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại lò chợ 1,5-2 lần.
Để nâng cao hệ số an toàn trong khai thác, TKV đã đầu tư các hệ thống vận hành thiết bị băng tải, hệ thống trạm điều khiển tập trung, sử dụng hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước, trạm quạt gió chính, trạm dung dịch nhũ hóa, trạm nén khí cố định, hệ thống cửa gió tự động, quản lý nhân lực ra vào lò, hệ thống đo đếm phương tiện kho bãi, cấp phát nhiên liệu, quan trắc môi trường tự động…
Riêng các doanh nghiệp sàng tuyển, chế biến than, TKV tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, TKV cũng chuyển từ sửa chữa thiết bị đơn thuần sang tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất như chế tạo cột, giàn thủy lực, tổ chức cán thép vì lò, chế tạo các máy xúc, thiết bị phòng nổ, các chi tiết máy với những robot hiện đại, tự hành hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TKV, nhìn chung điều kiện địa chất vỉa than của TKV khá phức tạp so với phạm vi áp dụng của công nghệ cơ giới hóa đồng bộ. Đặc biệt về yếu tố mức độ biến động chiều dầy và biến động góc dốc trên 30% của vỉa; các diện lò chợ áp dụng cơ giới hóa có trữ lượng nhỏ, phổ biến từ 230.000-450.000 tấn dẫn đến phải chuyển diện nhiều lần.
Với điều kiện diện sản xuất các lò chợ có trữ lượng nhỏ, việc đầu tư áp dụng tổ hợp cơ giới hóa hạng nhẹ, có quy mô công suất nhỏ sẽ phù hợp hơn so với loại hình cơ giới hóa hạng trung và hạng nặng. Dây chuyền cơ giới hóa đào lò than bằng máy combai, ngoài điều kiện diện đường lò áp dụng phù hợp với thông số thiết bị, cần thiết phải đồng bộ thiết bị, đảm bảo công tác vận tải liên tục mới phát huy được năng lực tổ hợp dây chuyền.
Tại buổi làm việc đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả đầu tư các tổ hợp cơ giới hóa đồng bộ trong đào lò và khai thác than hầm lò ngày 5/6, Phó Tổng Giám đốc TKV Phan Xuân Thủy, nhấn mạnh: Thời gian tới, các đơn vị tập trung vận hành ổn định các hệ thống, công trình cơ giới hóa đào lò và khai thác than đã đầu tư để đảm bảo công suất tối đa sản lượng theo thiết kế của từng hạng mục thiết bị. Các đơn vị cũng cần dành tối đa diện sản xuất cho cơ giới hóa và máy đào lò; tiếp tục duy tu thiết bị hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, quan tâm đào tạo đội ngũ vận hành thiết bị và kiểm soát an toàn đồng bộ theo hệ thống cơ giới hóa khai thác và đào lò.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()