Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:47 (GMT +7)
3 đột phá chiến lược tiếp tục đi vào chiều sâu
Thứ 2, 22/03/2021 | 07:46:28 [GMT +7] A A
Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong thực hiện 3 đột phá chiến lược ở những năm trước, năm 2021, tỉnh đã xây dựng, đặt những mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong thực hiện các khâu đột phá. Đây cũng là những trợ lực quan trọng để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiểm tra tình hình sản xuất tại doanh nghiệp đầu tư trong KCN Đông Mai, tháng 3/2021. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh tiến độ. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng đã thực hiện các cam kết cụ thể về mốc thời gian hoàn thiện các hạng mục dự án, công trình. Đáng chú ý, theo chỉ đạo của tỉnh, năm 2021 phấn đấu hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)...; khởi công khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, khu du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp Vân Đồn; sớm đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây, nghiên cứu tuyến đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 lên Đồng Sơn, Kỳ Thượng đến QL 4B; thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh… Đây đều là những dự án, công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn.
Để đón “làn sóng” đầu tư, nhất là đầu tư FDI, hiện các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã được tỉnh chỉ đạo sở, ban ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất hoàn thiện, hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất. Theo đó, tập trung đẩy mạnh thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các KCN: Việt Hưng, Hải Hà, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong; hoàn thành việc mở rộng giai đoạn 2 và khu nhà ở chuyên gia, công nhân của KCN Đông Mai theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ cao; quy hoạch, cơ cấu lại KCN Cái Lân, trong đó chuyển việc xuất dăm gỗ về cảng Mũi Chùa (Tiên Yên). Tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh tại Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả... Qua đó, đảm bảo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và xã hội để thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: Đối với khâu đột phá về hạ tầng, tỉnh kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các KKT, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển. Phương châm này được coi là "chìa khoá" giúp Quảng Ninh nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng.
Trong khâu đột phá về nguồn nhân lực, năm 2021, tỉnh sẽ triển khai đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng và chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài. Trong đó có việc cụ thể hóa Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thuý cho biết: Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương, nhất ở yêu cầu ở một số ngành, nghề, lĩnh vực chuyên sâu, ngành Giáo dục Quảng Ninh đang tập trung các giải pháp để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, chuyển mạnh quy trình giáo dục truyền thống từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng căn bản yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Song song với đó là mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề tỉnh cần; sắp xếp lại hệ thống trường học. Ngành Giáo dục cũng chú trọng đến việc phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách.
Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho tốp 5 khối sở, ban, ngành và địa phương dẫn đầu DDCI 2020. Ảnh: Minh Hà |
Cùng với 2 khâu đột phá trên, ở khâu đột phá trong cải cách hành chính, tỉnh cũng đặt mục tiêu rất cao ở giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đặt chỉ tiêu hàng năm giữ vững nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Để làm được điều này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa quy trình thủ tục hành chính; thực hiện tốt nguyên tắc “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.
Với các giải pháp trên, tỉnh phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Cùng với đó, từng bước triển khai quá trình chuyển đổi số vững chắc, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất, an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là hoàn thành Đề án chính quyền điện tử, thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh. Phấn đấu năm 2021, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số toàn diện trong các cơ quan hành chính các cấp, cắt giảm tối đa các cuộc họp, tăng cường xử lý trên môi trường mạng. Hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; phấn đấu gần 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của tỉnh được rà soát, điều chỉnh để nâng cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()