Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:35 (GMT +7)
3 đột phá chiến lược: Thúc đẩy phát triển bền vững
Thứ 4, 28/09/2022 | 07:56:08 [GMT +7] A A
Năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song cũng có nhiều thách thức mới xuất hiện, tác động trực tiếp đến kế hoạch phát triển của Quảng Ninh. Với tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển KT-XH. 9 tháng năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì 2 con số; 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã dành nhiều quan tâm đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình quan trọng, động lực. Trong đó, tỉnh đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Tình Yêu, hoàn thành đường cao biển Hạ Long - Cẩm Phả và mới đây đã đưa cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác, góp phần hoàn thiện trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km, nối Cửa khẩu quốc tế Móng Cái với thủ đô Hà Nội bằng đường cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội - Móng Cái từ 7 giờ trước đây xuống còn 3 giờ.
Song song với đó, tỉnh tăng cường đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chây ì, nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực đã triển khai, như: Cầu Cửa Lục 3; đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh và chuẩn bị khởi công mới đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Lạng Sơn; đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT Vân Đồn, Quảng Yên, Móng Cái và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và phát triển mạnh mẽ hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại đồng bộ, hiện đại...
Trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đầu năm tới nay, tỉnh tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các TTHC theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện; thí điểm trợ lý ảo trong giải quyết TTHC; thí điểm một số TTHC chỉ tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; ban hành mã định danh điện tử cơ quan và cập nhật vào Hệ thống danh mục điện tử dùng chung... Tỉnh kiên quyết loại bỏ bất hợp lý, các chi phí không chính thức; ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và đổi mới, phát huy hiệu quả mô hình trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phù hợp với xu hướng chuyển đổi số toàn diện.
Bên cạnh đó, tỉnh đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động bằng việc không để doanh nghiệp hay nhà đầu tư phải loay hoay trong giải quyết TTHC hay khó khăn trong triển khai các dự án tại tỉnh. Định kỳ hằng quý, lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư gắn với các dự án cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
Năm 2022, mặc dù vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, song tỉnh vẫn dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhiều quyết sách quan trọng đã được tỉnh xây dựng, triển khai.
Đáng chú ý, tỉnh tiếp tục triển khai nghị quyết về hỗ trợ học phí đối với người học trên địa bàn. Trong đó, hỗ trợ 100% học phí năm học 2022-2023 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo bằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; sắp xếp lại hệ thống trường học, đồng thời phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền.
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, khởi công xây dựng khoảng 1,2 triệu m2 sàn, tương ứng với khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động. Đây là động lực, sự hấp dẫn lớn để tạo ra nguồn lao động dồi dào gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số...
Thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tiếp tục là động lực để Quảng Ninh bứt phá hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()