Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:27 (GMT +7)
3 dấu hiệu sắp khỏi ho cần thuộc nằm lòng khi mùa lạnh bắt đầu
Thứ 3, 21/11/2023 | 17:00:34 [GMT +7] A A
Mùa lạnh bắt đầu với nguy cơ cảm lạnh, cúm, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi,... thường gây ra các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi...
Cơn ho có thể gây khó chịu, mệt mỏi và nếu cơn ho kéo dài hơn một vài ngày, nhiều người bắt đầu tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy cơn ho đang đỡ hơn và bắt đầu thuyên giảm (dấu hiệu sắp hết ho). Không có công cụ kiểm tra sàng lọc tiêu chuẩn nào để xác định xem cơn ho của bạn có cải thiện không nhưng có một vài dấu hiệu quan sát được mà chỉ bạn mới có thể nhận thấy - có thể cho biết triệu chứng ho của bạn đang cải thiện.
Ho có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nhiễm virus và vi khuẩn cũng như các chất kích thích từ môi trường. Nhiễm virus, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm thông thường, thường dẫn đến ho do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm phế quản hoặc viêm phổi, cũng có thể dẫn đến ho dai dẳng. Ngoài ra, các chất kích thích từ môi trường như bụi, khói hoặc chất gây dị ứng có thể gây ho.
1. Dấu hiệu cơn ho đang thuyên giảm
Cơn ho có thể kéo dài hơn bạn nghĩ, thậm chí tới vài tuần sau khi bạn bị cúm hoặc cảm lạnh; dài hơn ở bệnh viêm phế quản hay viêm phổi. Nhìn chung với những nguyên nhân cơ bản khác nhau và giai đoạn mắc bệnh thì cơn ho sẽ có đặc điểm khác nhau.
Dưới đây là dấu hiệu cho thấy cơn ho đang cải thiện hơn và sắp hết:
Chuyển từ ho có đờm sang ho khan
Bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy trong cổ họng và gây ho khan. Nhưng đôi khi việc chuyển từ ho có đờm sang ho khan là dấu hiệu cho thấy bệnh cảm lạnh sắp kết thúc. Đường thở lúc này đang dần thông thoáng và lành lại. Tuy vậy thì ho có đờm hay ho khan cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe mãn tính như:
- Kích ứng do khói hoặc ô nhiễm
- Hen suyễn
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Viêm phế quản
- Kích ứng hoặc viêm mãn tính.
Đờm hoặc chất nhầy có thể tồn tại trong một tới hai tuần khi bạn bị cảm lạnh. Nhưng nếu đờm hoặc chất nhầy khi ho do viêm phế quản, thì có thể mất tới vài tuần đến vài tháng mới giảm hết.
Giảm tần suất, cường độ ho
Khi theo dõi tần suất và cường độ cơn ho bạn có thể nhận thấy cơn ho xuất hiện ít hơn, mỗi lần ho ngắn hơn và bớt nghiêm trọng hơn - điều này cho thấy cơn ho đang dần cải thiện và cơ thể đang hồi phục.
Các triệu chứng liên quan được cải thiện
Cổ họng bị ngứa hoặc đau thường là dấu hiệu của cảm lạnh hoặc kích ứng do ho mãn tính gây ra. Bạn nên thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau họng của mình trở nên trầm trọng hơn khi cơn ho đang có dấu hiệu thuyên giảm. Bởi có thể bạn đang bị hai bệnh nhiễm trùng khác nhau cùng một lúc và gây ra các triệu chứng tương tự.
Tuy nhiên khi cơn đau họng được cải thiện, triệu chứng ngứa họng không thường xuyên xuất hiện thì đó có thể là cơn ho sắp hết.
Ngoài ra, mặc dù bạn có thể bị ho do dị ứng hoặc kích ứng nhưng khi bạn bị sốt thì ho có thể là dấu hiệu của một nhiễm trùng đang diễn ra như cảm lạnh hoặc cúm. Khi cơn sốt của bạn đang giảm hoặc hết đó cũng là biểu hiện cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng một cách hiệu quả và ho cũng sẽ giảm dần.
Điều gì xảy ra với cơn ho do COVID-19?
Ho là một trong những triệu chứng phổ biến của COVID-19 và sẽ giảm dần theo thời gian và báo hiệu bạn đã khỏi COVID-19. Tuy nhiên một số trường hợp mắc COVID-19 gặp phải các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm ho, mệt mỏi... Theo VeryWell, nếu bạn có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và cơn ho của bạn không cải thiện sau vài tuần, hãy trao đổi với bác sĩ để được xem xét các điều trị bổ sung.
2. Bạn có thể bị ho tăng lên trước khi thuyên giảm không?
Cơn ho của bạn tiến triển như thế nào tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn ho là gì.
Nếu cơn ho do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác gây ra thì bạn có thể gặp các triệu chứng khác như chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt, đau họng,... Những triệu chứng này sẽ dần dần cải thiện trong suốt quá trình cơ thể chống lại nhiễm trùng và có thể lên tới vài tuần.
Tuy nhiên nếu cơn ho do các tình trạng mãn tính như dị ứng, hen suyễn hay phổi tắc nghẽn mãn tính thì chúng thường thuyên giảm hoặc bùng phát phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của bạn. Chẳng hạn bạn có thể bị ho nhiều hơn khi vào mùa dị ứng hoặc khi cơn hen suyễn bùng phát hay đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nói cách khác, cơn ho khi mắc các tình trạng mãn tính có thể trầm trọng hơn theo thời gian với tần suất và mức độ khác nhau tùy thuộc vào bệnh lý khác nhau.
3. Ho bao lâu thì khỏi?
Như đã nói ở trên thì thời gian ho tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn ho là gì. Tuy nhiên hầu hết các cơn ho thường có xu hướng cải thiện trong vài tuần. Ho do nhiễm virus hoặc nhiễm trùng phức tạp như viêm phổi hoặc viêm phế quản có thể kéo dài đến hai tháng trước khi khỏi bệnh.
Nếu các tình trạng mãn tính như suy tim hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra ho, người bệnh cần tập trung kiểm soát bệnh bằng cách:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Tránh các yếu tố có khả năng kích hoạt các đợt cấp
- Uống nhiều nước, loại bỏ đờm/chất nhầy.
Kiểm soát tốt các vấn đề này có thể giúp cơn ho thuyên giảm theo thời gian. Ngoài các yếu tố kể trên thì các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể cũng có thể ảnh hưởng tới vấn đề cơn ho kéo dài bao lâu thì khỏi.
Các dấu hiệu cho thấy cần gặp bác sĩ khi bị ho bao gồm:
- Ho kèm theo sốt cao, khiến người bệnh li bì, mệt mỏi và ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày
- Ho kèm đau ngực, khó thở, thở khò khè, thở rít, môi hoặc móng tay chuyển sang màu tái xanh, mất ý thức hoặc ho ra máu là dấu hiệu cho thấy cần cấp cứu khẩn cấp
- Nếu cơn ho kéo dài trên 3 tuần và có xu hướng trầm trọng hơn thì bạn có thể cần được thăm khám bác sĩ sớm.
Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá các triệu chứng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm nếu cần để đưa ra các lựa chọn thích hợp giúp giải quyết nguyên nhân gây ra cơn ho là gì.
4. Cách giúp giảm ho tại nhà
Thuốc kháng sinh có thể giúp điều trị các trường hợp ho do nhiễm khuẩn nhưng sẽ không giúp bạn giảm thời gian phục hồi nếu ho do virus gây ra. Hầu hết các biện pháp điều trị ho đều nhằm mục đích làm dịu cơn ho và giảm kích ứng hơn là chữa ho. Các cách giúp bạn giảm khó chịu do ho có thể tham khảo như:
- Trà thảo dược hoặc đồ uống ấm
- Mật ong
- Máy tạo độ ẩm
- Súc miệng bằng nước muối ấm
- Kê cao gối khi ngủ
- Uống nhiều nước
- Thuốc không kê đơn để giảm ho hoặc giảm nghẹt mũi. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc kéo dài gây ho, bạn có thể cần dùng thuốc theo toa như thuốc kháng sinh hoặc steroid để giảm nhẹ. Nếu bạn bị phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim hoặc trào ngược dạ dày - thực quản thì những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc thuốc men có thể giúp kiểm soát tình trạng của bạn.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()