Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:27 (GMT +7)
3 câu nói cho thấy bạn có trí tuệ cảm xúc cao
Thứ 3, 26/03/2024 | 23:08:44 [GMT +7] A A
Trí tuệ cảm xúc không chỉ là suy nghĩ hay khả năng cảm nhận, mà còn được thể hiện rõ qua cách bạn trò chuyện và truyền đi thông điệp.
Mọi người thường sử dụng những từ hoặc câu phức tạp, diễn đạt ý dài dòng để thể hiện trí tuệ cảm xúc, ví dụ như sự thấu hiểu và cảm thông. Nhưng liệu cách này có thực sự hữu hiệu?
Dài dòng không giúp thể hiện trí tuệ cảm xúc
Giảng viên và chuyên gia giao tiếp của Đại học Stanford (Mỹ) Matt Abrahams nói rằng cách nói dài dòng có thể tạo ra tác động tiêu cực, khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi, tự ti và bị phán xét.
Thay vào đó, hãy hướng đến mục tiêu dễ hiểu nhưng vẫn đủ cho người khác thấy bạn thực sự quan tâm đến cảm xúc của họ.
"Hãy diễn đạt mọi thứ theo cách mà mọi người có thể hiểu được. Có nhiều việc chúng ta làm chỉ để cố gắng làm cho bản thân trông đẹp đẽ, nói chuyện hay ho hơn, nhưng thực tế lại phản tác dụng", ông Abrahams nói.
Lần tới, khi bạn nói chuyện và muốn bày tỏ sự thấu cảm cũng như trí tuệ cảm xúc (EQ), hãy thử sử dụng ba cụm từ đơn giản được các chuyên gia gợi ý như sau.
"Bạn nói rõ thêm được không?"
Khi có người tâm sự với bạn, đặc biệt là về điều nhạy cảm hoặc quan trọng, việc đầu tiên bạn cần làm là không nên kể ra những câu chuyện của cá nhân mình để "đối đáp".
Kathy và Ross Petras, hai tác giả của quyển You're Saying It Wrong (tạm dịch: Bạn đang nói sai) nhấn mạnh rằng, những người có EQ cao sẽ đặt các câu hỏi khiến người nói cảm thấy được lắng nghe và thừa nhận.
"Những người thiếu nhận thức thường chỉ quan tâm đến suy nghĩ và quan điểm của chính mình. Nhưng người có trí tuệ cảm xúc lại quan tâm đến cảm giác của người khác và những gì họ nói", hai tác giả viết cho CNBC Make It.
Một cụm từ như "Bạn có thể nói rõ thêm được không?" khuyến khích người khác chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của họ. Sau đó, khi đã lắng nghe và thừa nhận cảm xúc của đối phương, bạn có thể "cố gắng đặt mình vào vị trí của họ theo cách có ý nghĩa", các tác giả lưu ý.
"Tôi nghĩ..."
John Bowe, huấn luyện diễn thuyết và nhà báo, cho biết khi bạn đang sửa ai đó hoặc đưa ra ý kiến, việc nói "đây là vấn đề" sẽ bị coi là xúc phạm và thô lỗ. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ tránh xa những tuyên bố cao giọng kiểu này.
"Ngay cả khi vô tình sử dụng, cụm từ này cũng trầm trọng hóa vấn đề", Bowe nói thêm. Thay vào đó, nhà báo này khuyên hãy thể hiện ý kiến cá nhân bằng cụm từ "Tôi nghĩ".
Cách nói này tránh mang lại cho người khác cảm giác bạn đang thể hiện ý kiến cá nhân một cách khoa trương và thiếu cảm xúc. Ngược lại, bạn đang bày tỏ góc nhìn của bản thân một cách cân nhắc và khiêm tốn.
"Bạn có thể cho tôi lời khuyên không?"
Nghe có vẻ yếu đuối nhưng việc xin lời khuyên có thể khiến bạn thể hiện trí tuệ cảm xúc tốt hơn. Nhà báo, tác giả sách Joanne Lipman khuyên hãy đặt nhiều câu hỏi và đừng sợ hãi khi tiếp cận người khác để xin vài gợi ý.
"Một trong những trở ngại lớn nhất là sự lo lắng. Điều này ngăn cản chúng ta thực hiện bước đầu tiên có thể dẫn đến một mối liên hệ kinh doanh quan trọng, cơ hội mới, hoặc thậm chí là người bạn đời", cô viết.
Sau khi bắt đầu cuộc trò chuyện, hãy đặt những câu hỏi tiếp theo liên quan đến những gì người kia đã nói, cho thấy bạn thực sự lắng nghe và quan tâm. Tuy nhiên, trí tuệ cảm xúc của bạn cũng cần nhạy bén và tự nhận thức để biết khi nào thì câu hỏi của bạn sẽ không được đối phương trả lời.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()