Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, gây bệnh viêm họng cấp, biểu hiện đặc trưng là đau họng, ho khan, viêm phế quản... Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, chia sẻ các bài thuốc chữa viêm họng như sau:
Hỗn hợp nước ấm, chanh, mật ong
Hỗn hợp này uống khi vừa ngủ dậy giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả. Quả chanh rất giàu vitamin C, vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chữa ho, lợi tiêu hóa. Vỏ quả vị đắng, the, mùi thơm, tính lạnh, tác dụng thông khí, tiêu đờm, trị ho có đờm.
Mật ong vừa là món ăn vừa là vị thuốc, được ứng dụng nhiều trong đời sống và y dược. Mật ong vị ngọt, tính bình, không độc, có công năng giải độc, nhuận phế, điều hòa các dược liệu khác. Theo các tài liệu y học, mật ong được biết đến với công dụng bổ dưỡng tỳ vị, trị các chứng ho mạn tính, ho ra máu, thanh nhiệt độc, giải độc... Mật ong có tính kháng khuẩn và kháng viêm cao, có khả năng phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, trị ho, rát họng... Một số nghiên cứu chứng minh, hiệu quả của mật ong còn cao hơn nhiều loại thuốc ho thông thường.
Hỗn hợp chanh tươi - mật ong pha uống buổi sáng rất tốt cho sức khỏe, có tính kháng khuẩn rất tốt, thường dùng để điều trị đau họng, trị ho khi trời trở lạnh. Theo lương y Sáng, nên pha mật ong với nước ấm, bởi nước lạnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong dạ dày. Không nên uống quá nhiều một lúc mà nhấp từng ngụm nhỏ.
Cách pha: Vắt lấy nước nửa quả chanh tươi, 1-2 thìa cà phê mật ong, pha với một cốc nước ấm. Bạn có thể rửa sạch chanh, ngâm với nước muối khoảng 30 phút, để khô sau đó thái lát mỏng, xếp vào lọ. Cứ một lớp chanh pha một lớp mật ong, thêm chút muối. Mỗi sáng múc 3-4 thìa ra cốc, pha với nước ấm để uống. Theo lương y Sáng, nên pha cả vỏ chanh để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nên uống nước chanh mật ong trước khi đánh răng. Quan sát kỹ để mua mật ong nguyên chất, dùng hàng giả sẽ gây tác dụng phụ.
Lá hẹ
Lá hẹ gồm đạm, vitamin A, C, canxi, phốtpho và chất xơ, có vị cay, tính ấm tác dụng trợ thận, bổ dương, giải độc, tiêu đờm... Trong lá hẹ chứa các thành phần odorin có tác dụng như một chất kháng sinh chống tụ cầu và các chủng vi khuẩn.
Bạn có thể lấy một nhúm nhỏ lá hẹ tươi đem rửa sạch với nước, giã nát đắp lên vùng cổ bị viêm họng. Sau đó cuốn băng giữ chặt phần lá đắp khoảng 30 phút rồi tháo ra rửa sạch cổ bằng nước sạch.
Hoặc, hấp cách thủy hỗn hợp lá hẹ giã nhuyễn với hai thìa mật ong trong 15 phút. Chắt lấy nước cốt và uống khi còn ấm, bã lá hẹ dùng để ngậm sẽ làm dịu cơn đau, giảm đau rát cổ họng hiệu quả.
Lá diếp cá
Diếp cá vị cay, tính mát giúp thanh nhiệt, nhuận tràng, giải cảm, giải độc và làm lành các vết lở loét. Thành phần tinh dầu trong rau diếp cá có tác dụng sát trùng, kháng viêm và loại trừ các ổ vi khuẩn, virus trong cổ họng.
Người bị viêm họng, dùng lá diếp cá rửa sạch, để cho ráo nước rồi đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ và lọc lấy nước cốt. Sau đó, pha nước cốt với một ít nước ấm rồi uống từng ngụm. Áp dụng hai lần mỗi ngày, liên tục trong 4-5 ngày.
Ngoài uống trực tiếp, lá rau diếp cá còn có thể kết hợp với các loại thảo dược khác để hiệu quả tốt hơn trong điều trị viêm họng. Dùng khoảng 50 g lá diếp cá và 20 g lá cam thảo đất, đem rửa sạch rồi cho vào nồi sắc với nước để uống hàng ngày. Thực hiện đều đặn hai đến ba ngày.
Lá diếp cá có thể sắc cùng nước vo gạo để tăng miễn dịch, bổ sung dưỡng chất và điều trị viêm họng. Bạn chỉ cần 200 g lá diếp cá rửa sạch, chờ ráo nước rồi giã nát hoặc xay nhuyễn. Tiếp đó, đun sôi khoảng 300 ml nước vo gạo rồi bỏ rau diếp cá vào đun đến sôi thì tắt bếp. Trong quá trình đun, khuấy đều để các chất hòa quyện vào nhau. Sau cùng, bỏ phần bã, chắt lấy nước cốt để uống vào buổi sáng và tối mỗi ngày.
Ý kiến ()