Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:55 (GMT +7)
2 cách phối hợp để ngăn chặn ung thư cổ tử cung hiệu quả
Thứ 6, 27/08/2021 | 09:36:18 [GMT +7] A A
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 4 và cũng là nguyên nhân phổ biến thứ 4 gây tử vong do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới.
Hầu hết các ca bệnh ung thư cổ tử cung đều liên quan đến virus gây u nhú ở người (HPV). Cụ thể, HPV type 16 và 18 là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Những type HPV này cũng có thể gây ung thư dương vật ở nam giới. HPV cũng có thể gây ung thư miệng, cổ họng và hậu môn ở cả nam và nữ.
Nhiễm HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung như thế nào?
Nhiễm HPV thường khỏi mà không cần can thiệp gì trong vòng vài tháng sau khi mắc bệnh, và khoảng 90% khỏi trong vòng 2 năm. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp nhiễm một số loại HPV có thể trở thành mạn tính và các tổn thương tiền ung thư tiến triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Hầu hết những người bị nhiễm HPV đều không biết mình mắc bệnh. Trung bình phải từ 15- 20 năm, ung thư cổ tử cung mới phát triển ở những phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển trong khoảng từ 5-10 năm ở những phụ nữ có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như những người bị nhiễm HIV không được điều trị.
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung
Phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường không biểu hiện ra cho đến khi ung thư phát triển và xâm lấn sang mô lân cận. Khi tình trạng này xảy ra, các triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo bất thường, đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Bất thường ở cổ tử cung có thể được phát hiện qua xét nghiệm phết tế bào âm đạo cũng như các xét nghiệm HPV đặc hiệu. Việc kiểm tra sâu hơn như soi cổ tử cung và điều trị can thiệp phẫu thuật thích hợp giúp ngăn chặn các tế bào bất thường phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Vaccine giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm vaccine ngừa HPV, vì đây là biện pháp sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhất chống lại ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Tiêm vaccine song song với tầm soát bằng phiến đồ âm đạo là biện pháp hữu hiệu để ngừa loại ung thư nguy hiểm này.
Vaccine hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với HPV. Vì vậy, WHO khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bé gái, từ 9-14 tuổi, khi hầu hết chưa bắt đầu hoạt động tình dục.
Hiện đang có 2 loại vaccine là Gardasil và Cervarix lưu hành trên thị trường. Cervarix chỉ dành cho bé gái, trong khi Gardasil có thể sử dụng cho cả bé gái và bé trai.
Hai loại vaccine này có thể phòng ngừa hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung nếu được tiêm trước khi phơi nhiễm với HPV.
Việc tiêm vaccine cho bé trai giúp bảo vệ các cô gái là bạn tình của họ sau này khỏi nhiễm HPV thông qua việc làm giảm sự lây lan của virus. Vaccine HPV cũng có khả năng bảo vệ cả nữ giới và nam giới không lây nhiễm mụn cóc sinh dục, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng và các bệnh liên quan đến HPV.
Tuy nhiên, vaccine không thể điều trị nhiễm HPV hoặc bệnh liên quan đến HPV khi bạn đã tiếp xúc với virus.
Tầm soát ung thư sớm là biện pháp hữu hiệu
Tiêm phòng HPV không thay thế cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Ở những quốc gia có vaccine HPV, các chương trình sàng lọc vẫn có thể cần được phát triển hoặc tăng cường.
Tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đã hoặc đang có quan hệ tình dục cần làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Dù đã được tiêm phòng, bạn vẫn nên làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ để có thể phát hiện và phòng ngừa hoặc điều trị ung thư cổ tử cung sớm.
Đối với phụ từ 30 tuổi trở lên, việc khám tầm soát bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap) và xét nghiệm HPV (bộ đôi xét nghiệm) giúp làm giảm số lượng các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ phụ khoa để giúp duy trì sức khỏe phụ khoa, phát hiện ung thư sớm, cũng như quản lý và điều trị cho từng tình trạng cụ thể của bạn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()