Lâu đài Pidhirtsi, Ukraina
Từng được coi là một trong những lâu đài đẹp nhất ở châu Âu, lâu đài Pidhirtsi được xây dựng vào thế kỷ 17 theo phong cách Phục hưng. Pidhirtsi nằm ở phía tây Ukraine và từng được sử dụng để quay phim "D'Artagnan" và "Ba chàng lính ngự lâm" vào năm 1978.
Cung điện Hamilton, Anh
Dinh thự dang dở này thậm chí còn lớn hơn cả cung điện Buckingham. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1985 nhưng nó chưa bao giờ được hoàn thiện. Bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ, cung điện Hamilton được gọi là "Bóng ma của Sussex". Triệu phú xây dựng tòa lâu đài này đã bị bỏ tù 10 năm vì tội tổ chức sát hại đối thủ kinh doanh, vậy nên nơi này luôn dang dở tới ngày nay.
Lâu đài Ballycarbery, Ireland
Lâu đài bị bỏ hoang này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16. Những bức tường đá là thứ duy nhất còn lại sau thời gian dài. Tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng vào giữa những năm 1600 khi quân đội của Oliver Cromwell tấn công nó bằng hỏa lực đại bác.
Lâu đài Bodiam, Anh
Lâu đài Bodiam là một trong những lâu đài bị bỏ hoang nổi tiếng nhất ở Anh được xây dựng vào năm 1385. Lâu đài có những bức tường bọc thép dày, cổng vòm và thậm chí cả hào nước. Nó đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trước khi rơi vào cảnh hoang tàn và cuối cùng được giao cho National Trust vào năm 1926 để bảo quản và mở cửa cho công chúng tham quan. Ngày nay, lâu đài vẫn là một điểm đến cho những người yêu thích lịch sử và khách du lịch.
Lâu đài Čachtice, Slovakia
Lâu đài Čachtice được xây dựng ở Slovakia vào thế kỷ 13, là nơi ở của Elizabeth Báthory, được mệnh danh là “nữ bá tước đẫm máu”. Bị buộc tội tra tấn và giết chết hơn 600 cô gái trẻ và theo truyền thuyết, bà ta còn tắm trong máu của họ để được trẻ đẹp mãi mãi, sau đó Báthory bị kết án tù chung thân. Ngày nay, mặc dù có lịch sử đen tối, nhưng lâu đài này bớt rùng rợn hơn rất nhiều.
Lâu đài Łapalice, Ba Lan
Mặc dù chưa hoàn thành và bị bỏ hoang, lâu đài Łapalice là một trong những dinh thự tư nhân lớn nhất ở Ba Lan. Trông có vẻ cổ kính nhưng lâu đài thực sự bắt đầu được xây dựng chỉ từ những năm 1980. Lâu đài bỏ hoang này có 365 cửa sổ, 52 phòng và 12 tháp pháo tượng trưng cho số ngày, số tuần và số tháng trong 1 năm. Hiện đây là một địa điểm phổ biến cho nghệ thuật graffiti và vẫn còn trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý...
Lâu đài Gaillard, Pháp
Lâu đài Gaillard, tiếng Pháp gọi là Château Gaillard, là lâu đài có từ thế kỷ 12 trên vách đá Andelys nhìn ra sông Seine.
Lâu đài Frankenstein, Đức
Lâu đài thời trung cổ từ thế kỷ 13 này được mệnh danh là lâu đài của Frankenstein từ rất lâu trước khi tác giả Mary Shelley viết nên câu chuyện cùng tên. Trên thực tế, kể từ thế kỷ 17, lâu đài Frankenstein ở miền nam bang Hessen đã là nguồn cảm hứng cho nhiều truyền thuyết, theo National Geographic.
Lâu đài Havre, Bỉ
Lâu đài Havré được xây dựng trên tàn tích của một pháo đài phong kiến thế kỷ 12. Trong suốt lịch sử được lưu trữ, nó thuộc về một số gia đình quý tộc. Trong nhiều năm, lâu đài đã được bán, mua và cuối cùng bị bỏ hoang. Năm 1979, một tổ chức phi lợi nhuận đã được thành lập để khôi phục địa điểm này.
Lâu đài của Kellie, Malaysia
Lâu đài dang dở của William Kellie Smith, một chủ đồn điền cao su người Scotland, là một trong những công trình kiến trúc thú vị nhất của Malaysia. Tòa lâu đài bao gồm một tòa tháp 6 tầng, 1 sân quần vợt trong nhà, 1 trung tâm giải trí trên tầng thượng và 1 hầm rượu. Sau nhiều lần bị mua bán, cuối cùng tòa lâu đài đã bị bỏ hoang.
Lâu đài Ogrodzieniec, Ba Lan
Kể từ thế kỷ 14, lâu đài Ogrodzieniec đã được tôn vinh là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng thời trung cổ ở Ba Lan. Trong cuộc chiến tranh Ba Lan - Thụy Điển, lâu đài đã phải hứng chịu một trận hỏa hoạn kinh hoàng và bị thiệt hại không thể khắc phục được. Nhưng đây vẫn là một địa danh được yêu thích. Khung cảnh huyền diệu của lâu đài trên một ngọn đồi ở Ba Lan đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ và nhà làm phim, đồng thời nó thu hút lượng du khách ngày càng tăng.
Lâu đài Menlo, Ireland
Lâu đài Menlo được xây dựng vào thế kỷ 16 và là nơi ở của các quý tộc Anh thuộc gia đình Blake. Thật không may, một trận hỏa hoạn đã phá hủy phần lớn lâu đài vào năm 1910 và nó đã bị bỏ hoang kể từ đó. Lâu đài bị bỏ hoang đã biến đổi từ mặt tiền bằng đá sang màu xanh lá cây rực rỡ khi nó được bao phủ bởi dây leo và gần như không thể phân biệt được với cây xanh xung quanh.
Lâu đài Dunnottar, Scotland
Người ta tin rằng tàn tích trên đỉnh vách đá ở Scotland này được xây dựng vào thời Pictish, từ năm 5000 trước Công nguyên đến năm 700 sau Công nguyên. Sau nhiều trận chiến trong hàng thế kỷ, lâu đài đã bị chính phủ tịch thu vào thế kỷ 18. Nó bị bỏ hoang và trở thành đống đổ nát cho đến năm 1925, khi một nữ tử tước người Anh tiến hành khôi phục nó.
Sarata Kolones, Síp
Saranta Kolones dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “40 cột.” Lâu đài Byzantine ban đầu được xây dựng trên 40 cột đá granit và nó được cho là đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Năm 1223, nó bị phá hủy bởi một trận động đất và sau đó bị bỏ hoang.
Lâu đài Caerlaverock, Scotland
Một chuyến viếng thăm lâu đài Caerlaverock sẽ giúp bạn khám phá ra một pháo đài thời Trung cổ hoàn chỉnh với một con hào, trận địa và cổng tháp đôi. Du khách có thể thưởng thức triển lãm thông tin về chiến tranh, và vào một số dịp đặc biệt, bạn có thể ghé thăm phòng trà của lâu đài để dự tiệc.
Lâu đài Bannerman, Mỹ
Chỉ cần đi thuyền trên sông Hudson, cách Manhattan khoảng 96km về phía bắc, để đến thăm lâu đài Bannerman trên hòn đảo cùng tên. Lâu đài từ thế kỷ 19 này được dựng lên để chứa hàng hóa quân sự của doanh nhân Francis Bannerman và cũng được sử dụng làm nơi nghỉ hè của gia đình ông.
Lâu đài Sammezzano, Ý
Được xây dựng vào năm 1605, lâu đài Sammezzano là một công trình kiến trúc theo phong cách Moorish nằm trên đỉnh một ngọn đồi gần Florence. Lâu đài bỏ hoang này được trang trí công phu và có 365 phòng độc đáo, mỗi phòng tượng trưng cho một ngày trong năm. Chúng bao gồm phòng con công, nơi có cầu vồng về màu sắc và hình học, hay phòng màu trắng với sàn lát gạch khảm kiểu Ma-rốc. Sau Thế chiến II, lâu đài này được biến thành một khách sạn sang trọng cho đến khi đóng cửa vào những năm 1990.
Ý kiến ()