Người biểu tình Hàn Quốc hôm nay tập trung trước đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Seoul để phản đối việc Tokyo xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Họ giương cao các tấm biển "Đại dương không phải thùng rác của Nhật Bản", và "Chúng tôi phản đối việc xả nước thải".
"Hơn 10 người đã bị bắt vì cố đột nhập sứ quán", một cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết.
Ban đầu người biểu tình tập trung ở tầng 8 của tòa nhà, nơi có bộ phận lãnh sự. Đại sứ quán nằm từ tầng 9 đến tầng 11 và chỉ có thể vào được từ lối đi ở tầng 8. Hãng thông tấn Yonhap cho biết 16 người bị bắt đều là sinh viên đại học và đã bị giam vì âm mưu đột nhập.
Nhóm sinh viên cố xông vào sứ quán trong lúc hô khẩu hiệu lên án việc xả nước phóng xạ. Cảnh sát bắt họ với cáo buộc xâm phạm và vi phạm Đạo luật Hội họp và Biểu tình, hãng này cho hay.
Toàn bộ những người biểu tình khác bị giải tán và cảnh sát đã hạn chế quyền tiếp cận tòa nhà có đại sứ quán sau khi sự việc xảy ra.
Nhật Bản hôm nay bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển. Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), thực hiện hoạt động này khi điều kiện biển và thời tiết không có biến động.
TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.
Các giám sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có mặt tại nhà máy thực hiện các thủ tục liên quan. Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước và cá sau đó để phân tích, dự kiến công bố kết quả "sớm nhất vào ngày mai".
Giới chức Hàn Quốc đã gặp các quan chức IAEA trước khi Nhật Bản thực hiện kế hoạch và bày tỏ tin tưởng vào đánh giá của cơ quan rằng hành động này an toàn. Thủ tướng Han Duck-soo nói rằng "không cần phải lo lắng quá mức", đồng thời chỉ trích chiến dịch phản đối việc xả nước thải "mang động cơ chính trị", sử dụng "tin tức giả" để gây lo ngại.
Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc đã biểu tình phản đối. Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc cũng phản đối kịch liệt động thái này của chính phủ Nhật Bản.
Trung Quốc, nước láng giềng khác của Nhật, hôm nay tiếp tục ra tuyên bố phản đối, nói rằng chính phủ Nhật Bản không chứng minh được tính hợp pháp của việc xả nước. "Phía Nhật Bản không nên gây tổn hại cho người dân địa phương và thậm chí cả người dân trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của chính mình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc cũng ra lệnh cấm toàn diện ngay lập tức đối với tất cả hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản với lý do lo ngại "về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ".
Ý kiến ()