Nhóm học sinh trường THCS Quang Trung, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng trong giờ ra chơi nhặt hạt cây ngô đồng rụng ở sân trường ăn, sau đó mệt mỏi, buồn nôn.
14 em được cô giáo chủ nhiệm và gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Bảo Lâm cấp cứu, ngày 23/3. Bác sĩ chẩn đoán các em bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng.
Sáng 28/3, các em bình phục sức khỏe, đi học lại.
Sau khi học sinh bị ngộ độc, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các trường rà soát, xử lý cây ngô đồng trong khuôn viên và lắp đặt bảng cảnh báo độc. Các trường cũng được khuyến cáo loại bỏ cây, hoa có chất độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên.
Cây ngô đồng, tên khoa học là Hura crepitans L., thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae, được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới làm cây bóng mát ven đường và vườn hoa. Hạt chứa chất curcin, có hại cho đường tiêu hóa và gan. Người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, nặng nề hơn có thể xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.
Đông y dùng vỏ cây ngô đồng làm thuốc tẩy, trị táo bón, chữa mụn nhọt, có thể sắc nước uống.
Ngô đồng được trồng phổ biến trong khuôn viên nhiều trường ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều vụ học sinh bị ngộ độc tập thể do ăn hạt ngô đồng đã xảy ra. Hôm 10/3, 11 học sinh trường THCS Phổ Hải, Hà Tĩnh, bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng trồng ở sân trường. Năm 2018, có 7 học sinh lớp 1 trường tiểu học Kỳ Tân ở Nghệ An bị ngộ độc. Năm 2017, 37 học sinh khối 6 và 7 ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An, ngộ độc. Cùng năm có 9 học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, ngộ độc sau ăn hạt ngô đồng.
Chính quyền địa phương sau đó quyết định chặt bỏ cây ngô đồng và cả các cây có thể gây ngộ độc trồng trong trường học. Bộ Y tế cũng khuyến cáo một số loại cây, hoa có chứa chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc thường gặp như cây ngô đồng, cây thầu dầu.
Ý kiến ()