Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:54 (GMT +7)
10 tình trạng gây phát ban và sẩn ngứa da mùa hè ở trẻ
Thứ 5, 13/07/2023 | 08:50:12 [GMT +7] A A
Sẩn ngứa da khiến trẻ khó chịu và đôi khi việc gãi liên tục có thể khiến da trầy xước và nhiễm trùng.
Trẻ được nghỉ hè, thời tiết nắng nóng với độ ẩm thất thường và các hoạt động vui chơi ngoài trời tăng lên đi kèm với nguy cơ sẩn ngứa và phát ban da mùa hè.
Dưới đây là 10 tình trạng sẩn ngứa da mùa hè thường gặp ở trẻ do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ liệt kê cũng như cách đối phó với mỗi tình trạng:
1. Rôm sảy
Rôm sảy hay còn gọi là phát ban do nhiệt (heat rash) thường gặp ở trẻ sơ sinh vào mùa hè hoặc do ủ quá ấm. Xảy ra khi tuyến mồ hôi và lỗ chân lông của trẻ bị tắc khiến mồ hôi không thể thoát ra ngoài. Đặc biệt là vào mùa nóng, các tuyến mồ hôi càng dễ bị kích thích và sản sinh ra nhiều mồ hôi hơn.
Rôm sảy ở trẻ có hình dạng là những mảng mụn nhỏ màu trắng chủ yếu ở các vùng da gấp lại như cổ, khuỷu tay, nách hoặc đùi.
Đối phó:
- Giữ cho trẻ mát mẻ bằng cách mặc quần áo thấp hút mồ hôi. Nếu có thể hãy sử dụng quạt và điều hòa để tránh cho trẻ quá nóng, không ủ kĩ trẻ khi trời nắng nóng
- Với những vùng da bị gấp cần rửa sạch và dưỡng ẩm sau khi đã thấm thật khô
- Với trẻ bị rôm sảy, để vùng da đó được thoáng và không cho trẻ gãi dẫn tới trầy xước và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
2. Bệnh chàm
Bệnh chàm là một tình trạng da mãn tính đặc trưng là các mảng da khô, có vảy thường bùng phát trong những tháng mùa lạnh hoặc do sử dụng điều hòa không khí quá khô vào mùa hè. Ngoài ra, thời tiết quá nóng, đổ mồ hôi liên tục cùng clo trong bể bơi cũng có thể gây bùng phát bệnh chàm vào mùa hè.
Đối phó:
- Dưỡng ẩm là nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh chàm và ngăn ngừa bùng phát ở trẻ. Sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên dụng sau khi tắm, bơi lội ngay sau khi vệ sinh sạch sẽ trong vòng 3 phút để ngăn việc da bị khô quá mức
- Chọn quần áo làm bằng chất liệu mềm mại và thoáng khí có tác dụng thấm hút mồ hôi tốt như cotton. Khi giặt cần chọn các chất làm sạch không có hóa chất tạo mùi hay thuốc nhuộm
- Cắt ngắn móng tay của trẻ để hạn chế việc trẻ lấy tay gãi vết sẩn ngứa gây nhiễm trùng
- Nói chuyện với bác sĩ xem có những lưu ý điều trị nào cho mùa hè với tình trạng da của trẻ hay không.
3. Côn trùng cắn, đốt
Đôi khi tình trạng sẩn ngứa mùa hè ở trẻ không đến từ bệnh lý mà do bị côn trùng cắn/đốt như bọ ve, ong, muỗi, kiến lửa, kiến ba khoang,... Tùy từng loại động vật mà vết sẩn ngứa ở trẻ sẽ khác nhau về hình dáng cũng như mức độ ngứa hay nghiêm trọng. Đặc biệt với một số trẻ, vết cắn và đốt của côn trùng có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ nguy hiểm bao gồm phát ban và nổi mề đay, sưng tấy đường thở dẫn tới suy hô hấp nếu không được kiểm soát kịp thời.
Đối phó:
- Sử dụng thuốc xịt côn trùng trong và ngoài nhà, thuốc phòng côn trùng bôi/xịt trên da trẻ. Hạn chế mặc quần áo có mùi thơm và quần áo sáng màu thu hút côn trùng. Và, nếu có thể hãy giúp trẻ tránh xa những khu vực dễ có côn trùng làm tổ và tụ tập chẳng hạn như vũng nước tù đọng, cây có hoa đang nở rộ, bụi rậm,...
Lưu ý với thuốc chống côn trùng, cần ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với làn da của trẻ. Đồng thời rửa sạch thuốc trước khi trẻ vào nhà.
- Nếu trẻ bị đốt/cắn, hãy nhẹ nhàng làm sạch vùng da; loại bỏ ngòi đốt nếu có sau đó sử dụng túi chườm lạnh lên vết sưng trong ít nhất 10 phút và bôi các loại kem điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Chốc lở
Bệnh chốc lở là một dạng nhiễm trùng da do vi khuẩn phổ biến hơn khi thời tiết nóng ẩm. Sẩn ngứa do chốc lở là những mụn nước chứa đầy dịch lỏng và đóng vảy vàng có thể xuất hiện ở bất kì vùng da nào bị trầy xước.
Đối phó:
- Làm sạch vùng da bị nhiễm bệnh bằng các dung dịch sát khuẩn và nước sạch sau đó bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
- Che chắn nhẹ các vùng bị chốc lở để ngăn chặn vết thương tiếp xúc với bụi bẩn hoặc lây nhiễm sang các bộ phận/người khác
- Cắt ngắn móng tay hạn chế trẻ đưa tay lên gãi gây lây lan và nhiễm trùng nặng hơn.
5. Hội chứng ngứa ở người bơi lội (Swimmer's itch)
Hội chứng ngứa ở người bơi lội thường xuất hiện sau khi trẻ tiếp xúc với vùng nước có ký sinh trùng phát triển. Ký sinh trùng đào sâu vào da trẻ và gây ra phản ứng ngứa với các đốm nhỏ màu đỏ nổi lên trên các vùng da không có quần áo che chắn.
Đối phó:
- Không cho trẻ bơi gần hay chơi trong các khu vực nước nông ấm, đặc biệt là những vùng nước xuất hiện ốc sên hay chim chóc
- Tắm hoặc lau nhanh bằng nước sạch và khăn sạch ngay sau khi phát hiện trẻ chơi trong các khu vực này để hạn chế thấp nhất việc ký sinh trùng bám vào da và ký sinh
- Chườm mát, tắm bằng muối epsom ( hay còn được gọi là magie sulfat hay muối đắng) để giảm bớt sự khó chịu cho trẻ. Nếu tình trạng nghiêm trọng, nhanh chóng cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.
6. Ấu trùng di chuyển qua da (giun móc)
Các kì nghỉ hè trên bãi biển đôi khi có thể khiến trẻ vô tình nhiễm ấu trùng giun móc di chuyển dưới da nếu không đi dép. Ấu trùng giun móc xuất hiện ở các khu vực cát nhiễm bẩn, có phân chó mèo bị ô nhiễm. Đặc trưng của nhiễm ấu trùng này là các đường phát ban đỏ ngứa nổi ngay dưới bề mặt da tới vài centimet mỗi ngày.
Đối phó:
- Khi tới các vùng biển có nguy cơ ô nhiễm cao, tốt nhất hãy đi dép cho trẻ hoặc chuyển tới các khu vực sạch sẽ hơn để vui chơi
- Khi trẻ bị nhiễm giun, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống ký sinh trùng như albendazole để điều trị. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài từ 5 - 6 tuần và kèm theo các loại kem bôi giúp giảm ngứa khác.
7. Viêm nang lông (Folliculitis)
Thời tiết nắng nóng cùng với mồ hôi và bụi bẩn từ môi trường khiến trẻ dễ bị viêm nang lông hơn. Tổn thương cơ bản của viêm nang lông là mụn mủ hình chóp, kích thước bằng đầu đinh ghim, ở giữa có một chấm vàng, xung quanh là một quầng đỏ, khiến bệnh nhân thường có cảm giác ngứa rát. Các mụn mủ mọc thành từng đợt, sau 7-10 ngày khỏi không để lại sẹo.
Một dạng tương tự của viêm nang lông là phát ban do tắm bồn nước nóng cũng phổ biến khi trẻ tắm ở các bể bơi hay bồn tắm không sạch sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào da và gây viêm, mủ.
Đối phó:
- Lựa chọn hồ bơi sạch cho trẻ. Nếu bạn không chắc về nồng độ clo có thể quan sát và ngửi mùi clo có nồng đậm và màu nước có xanh trong không khi cho trẻ đi bơi
- Hạn chế cho trẻ ở trong bồn nước nóng ngâm mình trong thời gian dài
- Cho trẻ gặp bác sĩ nếu tình trạng viêm nang lông và phát ban do tắm bồn nước nóng nghiêm trọng hơn. Trong khi chờ đợi bạn có thể chườm ấm và sử dụng kem chống ngứa OTC cho trẻ.
8. Hắc lào
Bệnh hắc lào là tình trạng da bị tổn thương do nấm Trichophyton gây ra, thường xuất hiện những đốm da tròn, đổi màu và rất ngứa. Với nền nhiệt độ cao của mùa hè thì da trẻ toát nhiều mồ hôi đọng lại cùng với bụi bẩn hay bơi lội ở các vùng nước ô nhiễm đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đặc biệt bệnh hắc lào dễ lây lan nhanh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc trưng của bệnh hắc lào là những mảng mẩn đỏ trên da kèm ngứa ngáy và mụn nước. Cơn ngứa kéo dài cả ngày lẫn đêm và tăng lên khi đổ mồ hôi và nóng hơn.
Đối phó:
- Đối với trẻ bị hắc lào, cần kiên trì điều trị theo các loại thuốc bôi mà bác sĩ chỉ định. Tùy thuộc vào tình trạng mà loại thuốc kê cũng sẽ khác nhau, đó có thể là thuốc chứa các hoạt chất là dẫn chất imidazol rất có hiệu quả như: miconazol, ketoconazol, econazol... hoặc uống kèm theo thuốc kháng nấm như fluconazole, griseofulvin, ketoconazol, itraconazole... nếu tình trạng hắc lào lan rộng. Không nên tự ý uống thuốc mà không có chỉ định và thuốc kháng nấm toàn thân có nhiều tác dụng phụ nặng nề.
- Để phòng ngừa hắc lào, cha mẹ nên cho trẻ vui chơi ở các bể bơi sạch sẽ, khử khuẩn đúng cách. Nếu cho trẻ đi chơi ở các nông trại có vật nuôi hay gia đình có vật nuôi thì không cho trẻ tiếp xúc nếu con vật bị bệnh. Kiểm tra kĩ da thú cưng nuôi tại nhà xem có các vùng nấm nào không,...
Nếu trẻ tham gia các hoạt động vận động thể chất khác, đảm bảo trẻ sử dụng đồ cá nhân riêng hoặc khử trùng dụng cụ đúng cách sau mỗi lần sử dụng.
9. Tay chân miệng
Mặc dù không được xếp vào nhóm bệnh ngoài da mà tay chân miệng được xếp vào danh mục nhóm bệnh truyền nhiễm nhưng vì gây ra các tổn thương trên da nên cha mẹ cũng cần lưu ý để cho trẻ thăm khám sớm và phân biệt với các sẩn ngứa khác.
Hiện nay chủng tay chân miệng đang vào đợt cao điểm với quá tải bệnh nhân, chủng gây bệnh chủ yếu là Enterovirus (EV71) - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Đối phó:
- Theo dõi các triệu chứng và cho trẻ thăm khám khi có các triệu chứng nguy hiểm. Đặc trưng của tay chân miệng là các nốt hồng ban bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hay trong họng. Trẻ bị tay chân miệng nếu tăng nặng sẽ sốt cao liên tục khó hạ, giật mình, run chi, di chuyển loạng choạng, nôn mửa, mất nước, tay chân lạnh, toát mồ hôi, mệt, lừ đừ,... và cần nhập viện theo dõi.
- Trẻ bị sốt và đau do tay chân miệng có thể giảm nhẹ bằng thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen. Ngoài ra cần giúp trẻ uống nhiều nước, khi nghi ngờ trẻ bị mất nước cần liên hệ với cơ sở y tế. Dấu hiệu mất nước ở trẻ bao gồm:
+ Triệu chứng mất nước nhẹ: Trẻ bị chóng mặt; nhức đầu, buồn nôn; quan sát nước tiểu thấy có màu vàng đậm hoặc màu nâu; nếu trẻ đang dùng tã, mẹ có thể thấy tã ít ướt hơn những ngày bình thường; ít đi vệ sinh hơn; niêm mạc miệng, lưỡi khô
+ Triệu chứng mất nước nghiêm trọng ở trẻ: trẻ kêu khát liên tục; lờ đờ, mệt mỏi, mắt trũng sâu; da thấy nhợt nhạt; mắt khô; trẻ quấy khóc, bứt rứt và buồn ngủ; thở gấp, nhịp tim nhanh.
- Để phòng tránh tay chân miệng, cần giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế tới những khu vực đông người trong mùa dịch. Đồng thời lên kế hoạch ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, rèn luyện thể chất thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi cho trẻ tới các khu vui chơi mùa hè này nên chú ý không để trẻ cho đồ chơi vào miệng; khử trùng tay cho trẻ sạch sẽ; không để trẻ đưa tay lên mắt, mũi và miệng,...
10. Cháy nắng, ngộ độc ánh nắng mặt trời
Vui chơi ngoài trời quá mức dưới trời nắng nóng gay gắt đôi khi có thể khiến trẻ bị cháy nắng và nghiêm trọng hơn là ngộ độc ánh nắng mặt trời. Cháy nắng khiến da trẻ mẩn đỏ, phồng rộp và đau rát. Còn ngộ độc ánh nắng mặt trời khiến vùng da trẻ sưng tấy và xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh cúm chẳng hạn như đau đầu, sốt và buồn nôn.
Đối phó:
- Để phòng ngừa tình trạng này cần che chắn đầy đủ cho trẻ khi chơi ngoài trời bao gồm mũ, áo chống nắng và kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên (đừng quên bôi nhắc lại sau mỗi 80 - 120 phút)
- Nếu trẻ có các tình trạng da sẵn có, nên hạn chế các hoạt động dưới ánh nắng hoặc tránh cho trẻ hoạt động ngoài trời khi nắng nóng gay gắt
- Nếu trẻ bị ngộ độc ánh nắng mặt trời, trẻ cần tới sự can thiệp y tế ngay lập tức để điều trị phù hợp, nhất là khi có sự xuất hiện của mụn phồng mảng lớn trên da và mất nước kèm theo. Với cháy nắng mức độ nhẹ trẻ có thể được giảm nhẹ triệu chứng tại nhà như lau mát hay gel lô hội hoặc sữa lạnh.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()