4
18
/
1100400
10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2021
longform

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vẫn nỗ lực đạt được kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, du lịch... Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2021 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội nhà báo tỉnh, Sở Thông tin Truyền thông và Trung tâm Truyền thông tỉnh phối hợp tổ chức bình chọn.

Kiên trì thực hiện phương châm khoa học “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, Quảng Ninh đã kiên cường vượt qua các làn sóng dịch trong các đợt bùng phát lần thứ 3, lần thứ 4; giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành “mục tiêu kép”.
Điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Nhà sinh hoạt công nhân mỏ (Công ty CP Than Vàng Danh) đầu tháng 9/2021.

Là một trong những địa phương đi đầu hoàn thành Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tuyệt đối an toàn, hiệu quả trên diện rộng với tỷ lệ tiêm cao nhất trong cả nước, đang phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bầu đúng, bầu đủ một lần số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 23/5/2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công trên mọi phương diện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,5%, cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ đi bầu cao nhất. Kết quả, đã bầu đúng, bầu một lần đủ số lượng với 08 đại biểu Quốc hội, 66 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 420 đại biểu HĐND cấp huyện, 3.740 đại biểu HĐND cấp xã. Lần đầu tiên, Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm Điều hành Bầu cử kết nối trực tuyến đến 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để chỉ đạo, lãnh đạo thông suốt, kịp thời.

Cử tri khu vực bỏ phiếu số 4, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, tham gia bỏ phiếu theo đúng quy định và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay sau cuộc bầu cử, bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả kịp thời được kiện toàn với tỷ lệ tín nhiệm cao, riêng cấp tỉnh tại Kỳ họp thứ Nhất HĐND khóa XIV, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã bỏ phiếu tán thành, bầu tất cả các chức danh và nhanh chóng phát huy vai trò, triển khai thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh.

Là một trong hai địa phương trong cả nước có tốc độ̣ tăng trưởng kinh tế GRDP trên 10% và 6 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Kế thừa kinh nghiệm thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã kiên định mục tiêu đề ra; quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững đà tăng trưởng kinh tế (GRDP), năm 2021 đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước), tiếp tục khẳng định vai trò là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.400 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 42.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 7.614 USD.

Bốc xếp hàng container tại CICT Cái Lân. .
Là tỉnh đầu tiên trong cả nước đồng thời dẫn đầu 4 chỉ số (PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI); trong đó, chỉ số PCI và PAR Index 4 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận cúp quán quân PCI 2020.

Năm 2021, theo công bố kết quả các chỉ số năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Quảng Ninh 4 năm (2017 - 2020) liên tiếp giữ ngôi vị quán quân, Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tiếp giữ vị trí số 1 trong 2 năm 2019 và 2020; lần đầu tiên Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên vị trí dẫn đầu.

Đây là kết quả của những nỗ lực bền bỉ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với một quyết tâm chính trị cao nhất khi mục tiêu giữ vững thứ hạng 4 chỉ số đã được Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh thống nhất quyết nghị và sớm được cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề ở năm đầu tiên của nhiệm kỳ - Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng với mức đóng góp 3,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.
Hạ tầng tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên từng bước được hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 32,19% so với cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm % tăng trưởng của tỉnh, chiếm tỷ trọng 11,9% GRDP. Đây là lĩnh vực đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; khẳng định bước đi chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà (KCN cảng biển Hải Hà).
Trong năm 2021, tỉnh đã khởi công mới, đẩy nhanh tốc độ triển khai, tiến độ hoàn thành nhiều công trình giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác hóa lãnh thổ.
Cầu Tình Yêu được đưa vào khai thác sử dụng từ 1/1/2022.

Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ngay từ đầu năm, toàn tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện gắn với nâng cao chất lượng công trình, hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án động lực, trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nổi bật là đã hoàn thành Dự án tuyến đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả giai đoạn 1, cầu Cửa Lục 1 và phấn đấu hoàn thành dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trong Quý I năm 2022.

Hai đường hầm xuyên núi trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Lần đầu tiên hơn 10 vạn công nhân ngành Than, công nhân lao động trong các KCN, KKT ở lại Quảng Ninh ăn Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, góp phần đảm bảo phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn và ổn định sản xuất ngay sau Tết.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân than Dương Huy ở lại ăn tết Nguyên đán 2021.

Đây chính là truyền thống văn hóa “kỷ luật và đồng tâm” của người Quảng Ninh, càng trong khó khăn truyền thống đó càng tỏa sáng và được bồi đắp, là sức mạnh nội sinh của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc. Nhờ giữ an toàn dịch bệnh, nên ngành Than (một ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh) tiếp tục trụ vững và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Gần 100 nghìn công nhân hăng say, miệt mài lao động nơi hầm lò, đảm bảo năng lượng cho đất nước; tích cực chuyển dịch cơ cấu khai thác theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh (cơ cấu hầm lò 70%, lộ thiên 30%), giữ vững sức sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, toàn ngành đã khai thác được gần 48 triệu tấn than sạch, tăng 1,9 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm; tiêu thụ đạt 42,7 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2020; nộp ngân sách gần 16.500 tỷ đồng; đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 9 vạn lao động với thu nhập bình quân hơn 13 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người.
Quảng Ninh đã phủ sóng di động tới tất cả những vùng "lõm sóng" trên khắp toàn tỉnh.

Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (dự kiến dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện chương trình) nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09/13 địa phương cấp huyện (thêm huyện Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng chi an sinh xã hội năm 2021 ước đạt 1.790 tỷ đồng; trong đó, đã hỗ trợ 664 tỷ đồng cho trên 5.700 doanh nghiệp, 438.000 người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều hết năm 2021 chỉ còn 0,10%.

Toàn thể Thầy cô giáo và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh được hưởng trọn niềm vui, niềm hạnh phúc đến trường, được dạy và học trực tiếp, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong nước và quốc tế.
Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại Quảng Ninh được tổ chức đồng loạt ở tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh vào sáng 5/9/2021.

Với thành quả giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và đạt kết quả quan trọng, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc so với năm trước; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức thi trực tiếp sớm nhất cả nước; Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường được tổ chức vào đúng ngày 05/9/2021. Quảng Ninh cũng là một trong số ít các tỉnh trong cả nước sớm ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí năm học 2021 - 2022 cho trẻ mầm non và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Năm 2021 cũng là năm ngành giáo dục - đào tạo gặt hái nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là em Nguyễn Hoàng Khánh đã vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 21 (đưa Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất có 03 nhà quán quân Olympia); giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học toàn quốc, Huy chương Bạc tại Triển lãm Sáng chế quốc tế tại Cao Hùng (Đài Loan), giải Nhất và giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo Du lịch Quốc tế dành cho sinh viên Đại học Trung Quốc - ASEAN lần thứ 1, Huy chương Đồng tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống tại Indonesia... Đồng thời, để tiếp tục tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời cho phát triển giáo dục - đào tạo như Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh.

Học sinh Nguyễn Hoàng Khánh đã vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 21, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất có 03 nhà quán quân của cuộc thi.
Giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đăng cai tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 6, Diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ y tế giữa quân đội Việt Nam - Trung Quốc và Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn.
Tại Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đón Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6.