Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:13 (GMT +7)
10 năm thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW về công tác hậu cần quân đội: Nền tảng sức mạnh quân đội
Thứ 2, 27/06/2022 | 08:49:36 [GMT +7] A A
Với tinh thần tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, Đảng ủy, Bộ CHQS Quảng Ninh đã phát huy nội lực, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đảm bảo đồng bộ, toàn diện, hiệu quả sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và đặc điểm, tình hình địa phương.
10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 623, đến nay các mặt công tác bảo đảm hậu cần của Bộ CHQS tỉnh đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho LLVT toàn tỉnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất.
Nuôi quân tốt nhờ tăng gia giỏi
Những năm qua, điều kiện cơ chế thị trường, giá cả lương thực, thực phẩm luôn biến động, cộng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến công tác hậu cần của LLVT tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhận diện rõ thực trạng này, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy thế mạnh từng địa phương, tích cực khai thác hậu cần tại chỗ, nhằm từng bước cải thiện bữa ăn, nâng cao đời sống cho CBCS.
Nhiều mô hình, cách làm mới trong tăng gia sản xuất đã ra đời và mang lại hiệu quả, có tính ứng dụng cao. Trong đó, không ít mô hình tăng gia sản xuất tập trung phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế theo hướng cơ bản, lâu dài, bảo đảm nhu cầu thường xuyên và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu khi có tình huống xảy ra.
So với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 623, hiện tổng diện tích tăng gia sản xuất của Bộ CHQS tỉnh tăng lên 118%, từ 9.100m2 lên gần 20.000m2; diện tích ao nuôi cá tăng 123%, từ 10.000m2 lên hơn 223.000m2. Năng suất bình quân hằng năm đạt 501 tấn thịt; 522 tấn cá; gần 1.500 tấn rau, củ, quả. Đến nay, các đơn vị đã tự túc được 68,5% định lượng rau, củ, quả (vượt 5,2%); 76,2% định lượng thịt (vượt 6,2%); 61,4% định lượng cá (vượt 5,4%) so với trước năm 2012.
Đi đôi với tăng gia sản xuất, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trích quỹ tăng gia sản xuất, dịch vụ hậu cần đưa vào ăn thêm thường xuyên cho bộ đội từ 5.000-15.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, duy trì thực hiện tốt 5 nội dung quản lý, 5 chế độ của bếp ăn quân đội và chấp hành tốt 10 điều quy định VSATTP trong quân đội. Tích cực cải tiến chế biến nâng cao chất lượng bữa ăn bằng việc xây dựng thực đơn ăn hợp lý, ít trùng lặp, chia theo định xuất đảm bảo bộ đội ăn đủ, ăn hết tiêu chuẩn. Định lượng ăn đều đạt và vượt chỉ tiêu theo quy định, nhiệt lượng bình quân đạt từ 3.250Kcal/người/ngày trở lên.
Ban CHQS TX Đông Triều là điển hình nuôi quân của LLVT tỉnh với mô hình bếp ăn tự chọn - một đột phá trong cải thiện và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, được Tổng cục Hậu cần đánh giá cao và là mô hình mới cho các đơn vị trong toàn Quân khu tham quan, học tập. Được biết, Ban CHQS thị xã bắt đầu triển khai mô hình tự chọn món ăn thay vì ăn theo suất từ năm 2010. Mỗi bữa ăn sẽ có từ 5-7 món các loại đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Cách làm này không chỉ đáp ứng đúng, đủ nhu cầu và sở thích ăn của từng người, mà còn tránh lãnh phí, tiết kiệm kinh phí cho đơn vị.
Thượng tá Nguyễn Quốc Khánh, Chính trị viên Ban CHQS TX Đông Triều, cho biết: Để duy trì tốt mô hình này, công tác tăng gia sản xuất được đơn vị chú trọng thực hiện. Đơn vị đã xây dựng được khu tăng gia, chăn nuôi sản xuất tập trung tại phường Tràng An có diện tích 1,08ha, chia thành nhiều khu: Trồng cây ăn quả, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc gia cầm và ao nuôi thả cá… Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất đã đáp ứng phần lớn nguồn thực phẩm sạch cho bếp ăn của đơn vị; giúp các bữa ăn của bộ đội luôn đảm bảo dinh dưỡng, tươi ngon.
Chuyển biến tích cực, toàn diện
Đại tá Đặng Công Chúng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo ngành hậu cần làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 623, nhất là việc phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ từ tỉnh đến huyện. Đồng thời đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ thường xuyên, cũng như đột xuất; ưu tiên đảm bảo cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tại, cứu hộ, cứu nạn.
Các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu, huy động tối đa nguồn lực, tích cực cải tạo, sửa chữa, xây dựng doanh trại, tạo cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp, nâng cao điều kiện sinh hoạt của bộ đội. Các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã được đầu tư thi công 26 dự án với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng. Từ nơi làm việc, sinh hoạt tập trung, đến nơi ăn, nghỉ, cùng với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mà còn từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CBCS LLVT tỉnh, trở thành động lực để mỗi CBCS thêm quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng doanh trại chính quy, công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội cũng được Bộ CHQS tỉnh đặc biệt quan tâm. Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khỏe định kỳ đạt 100% quân số có mặt tại đơn vị; khám phúc tra sức khỏe cho 100% chiến sĩ mới đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt năm 2020, Trung tâm Quân y (Bộ CHQS tỉnh) được khánh thành và đưa vào sử dụng, với hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị hiện đại, góp phần phục vụ tốt hơn việc khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân trên địa bàn đóng quân...
Phải khẳng định rằng, 10 năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh, các cấp ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống của CBCS LLVT tỉnh không ngừng được nâng cao; qua đó tăng cường khả năng cơ động và sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong giai đoạn mới.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()