Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:34 (GMT +7)
10 loại nước quả tự làm tại nhà giúp tăng cường sức đề kháng
Thứ 2, 30/08/2021 | 14:08:38 [GMT +7] A A
Hệ thống miễn dịch liên tục phải hoạt động để phát hiện sự xâm nhập của tế bào lạ vào cơ thể. Với các loại nước quả này, bạn có thể dễ dàng tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên một cách hiệu quả.
Hệ thống miễn dịch luôn đòi hỏi một lượng lớn vitamin và khoáng chất để duy trì hoạt động. Một cốc nước ép trái cây và rau củ không tốn quá nhiều thời gian nhưng mang lại lợi ích cho sức khỏe cao, cung cấp chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Từ đó, tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và chống lại các virus như cảm lạnh và cúm mùa.
Dưới đây là 10 loại nước ép có thể tự làm tại nhà giúp bạn tăng cường sức đề kháng của cơ thể và bắt đầu ngày mới đầy năng lượng.
1. Nước cam, bưởi và các loại quả họ cam quýt
Các loại quả họ cam quýt chứa lượng lớn vitamin C - loại vitamin có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi các chất gây hại cho cơ thể.
Sự thiếu hụt vitamin C có thể dẫn tới việc suy giảm phản ứng miễn dịch, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Nếu bị cảm, uống đều đặn nước cam mỗi ngày có thể làm nhẹ các triệu chứng và giúp phục hồi nhanh hơn.
2. Nước táo, cà rốt và cam
Sự kết hợp tuyệt vời giữa cà rốt, táo và cam giúp cơ thể tự bảo vệ và chống lại nhiễm trùng. Vitamin C chống oxy hóa có trong táo và cam. Vitamin A, một chất rất quan trọng đối với hệ miễn dịch khỏe mạnh, có trong cà rốt dưới dạng beta carotene. Ngoài ra, cà rốt còn chứa vitamin B6, là vitamin có vai trò quan trọng trong việc tăng sinh tế bào miễn dịch và sản xuất kháng thể.
3. Nước ép củ cải, cà rốt, gừng và táo
Viêm là một phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng có nguồn gốc từ virus hoặc vi khuẩn. Loại nước ép tăng cường sức khỏe này sẽ giúp ích cho hệ thống miễn dịch và giảm các triệu chứng viêm do có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như kali, vitamin A, vitamin B6, và vitamin C, đặc biệt tốt với những người đang gặp các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm như sổ mũi, ho và đau nhức cơ thể
Những người bị viêm khớp dạng thấp cũng tìm thấy lợi ích từ nước ép củ cải, cà rốt, gừng và táo vì gừng có tác dụng chống viêm.
4. Nước ép cà chua
Để có cốc nước ép cà chua tươi nhất và không có các thành phần phụ, tốt nhất bạn nên tự làm tại nhà. Cà chua rất giàu vitamin B9 hay còn gọi là folate có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm trùng. Cà chua cũng chứa magie là chất chống viêm hiệu quả.
Để gia tăng vị cho cốc nước ép cà chua, bạn có thể cho thêm vào vài nhánh cần tây. Cần tây cũng là một loại rau rất giàu vitamin K.
5. Nước ép cải kale, cà chua và cần tây
Cải kale là thành phần thường gặp trong các loại nước ép rau quả do loại rau đặc biệt này có chứa hàm lượng magie cao. Thay vì cố gắng hạn chế hương vị cải kale bằng các loại trái cây ngọt, bạn có thể sử dụng cà chua để tăng cường lợi ích chống viêm. Ngoài magie, các vitamin và khoáng chất trong cốc nước ép này là mangan, vitamin A, vitamin B6, vitamin B9 (folate), vitamin C và vitamin K.
6. Sinh tố dâu tây và kiwi
Đây là một trong những cách để bổ sung vitamin C ngon nhất. Bạn có thể xay dâu tây và kiwi với sữa tách béo để bổ sung thêm nguồn cung cấp protein và vitamin D dồi dào bên cạnh mangan và vitamin C từ dâu tây và kiwi. Thay sữa tươi bằng sữa chua để tăng cường chức năng cho hàng rào kháng khuẩn của cơ thể, đặc biệt trong mùa dịch.
7. Sinh tố dâu tây và xoài
Có một cách để làm sinh tố dâu tây và xoài ngon hơn là sử dụng dâu tây và xoài đông lạnh, vừa giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng như trái cây tươi lại vừa giúp bạn có một cốc sinh tố mát lạnh mà không cần cho thêm đá. Bạn có thể sử dụng sữa bò tươi thay cho nước để xay, hoặc sữa hạnh nhân nếu muốn một cốc sinh tố thuần chay.
Một cốc sinh tố dâu tây và xoài có chứa mangan, kali, vitamin C từ dâu tây và vitamin A, vitamin B6, và vitamin E từ xoài.
8. Nước ép dưa hấu bạc hà
Nước ép dưa hấu bạc hà không chỉ giàu vitamin C và arginine (là một loại axit amin có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể) mà còn có thể giúp giảm đau cơ - một triệu chứng phổ biến của bệnh cúm, đặc biệt ở người lớn tuổi. Hàm lượng nước có chứa trong dưa hấu giúp việc ép lấy nước dễ hơn, và tránh lãng phí trái cây.
9. Sữa hạt bí ngô
Hạt bí ngô là một trong những nguồn protein thực vật cao nhất có chứa tất cả các loại axit amin thiết yếu. Hạt bí ngô cũng là một nguồn cung cấp canxi, magiê, mangan, kali, phốt pho và đồng; cũng như Vitamin A, B và E. Chứa nhiều chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch và axit béo omega-3 và omega-6, hạt bí ngô là chất chống viêm giúp điều hòa huyết áp và cholesterol tốt, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng cũng chứa tryptophan để giảm bớt lo lắng và hỗ trợ giấc ngủ.
Để làm sữa hạt bí ngô, bạn ngâm hạt bí ngô trong nước khoảng 8 tiếng, sau đó rửa sạch và cho vào xay cùng nước hoặc sữa tươi cùng một chút muối từ 30 đến 60 giây. Lọc hỗn hợp xay qua một tấm vải sạch rồi xay thêm một lần nữa để sữa nhuyễn và mịn. Với phương pháp này, bạn có thể trữ sữa trong tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày.
10. Nước ép táo xanh, rau xà lách và cải kale
Cốc nước ép màu xanh này là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tuyệt vời, giúp xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ trong mùa dịch. Các chất dinh dưỡng có trong cốc nước ép này là sắt, mangan, và kali. Bạn có thể bổ sung thêm rau chân vịt và một vài nhánh cần tây để làm tăng hàm lượng vitamin A, C và vitamin B6. Các loại vitamin này có vai trò quan trọng trong việc sản xuất kháng thể và tăng sinh tế bào miễn dịch.
Nước ép trái cây là cách nhanh và đơn giản nhất để bổ sung vitamin cho cơ thể. Bạn có thể cho thêm các loại thực phẩm khác như hạt chia, mầm lúa mì để tăng thêm các lợi ích sức khỏe. Ngoài ra, việc giữ vệ sinh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, và tập luyện thường xuyên cũng giúp duy trì miễn dịch khỏe mạnh.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()