Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
10 bức tranh đắt nhất thế giới
Thứ 3, 15/03/2022 | 16:32:15 [GMT +7] A A
"Salvator Mundi" đứng đầu với giá 450,3 triệu USD, còn tranh trừu tượng "Interchange" của Kooning xếp thứ hai với 300 triệu USD.
Đầu tháng 3, trước thềm các phiên đấu đầu tiên trong năm 2022 của Sotheby's, Christie's, Bonhams, chuyên trang nghệ thuật Artnet thống kê lại danh sách "Những bức tranh đắt nhất thế giới". Trang này dự đoán danh sách có nhiều thay đổi trong năm nay, do sự phát triển của thị trường đấu giá và người mua mới là các doanh nhân tiền điện tử.
Salvator Mundi đứng vị trí đầu tiên khi được Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman mua với giá 450,3 triệu USD (bao gồm thuế phí) trong phiên của Christie's hồi tháng 11/2017, gấp 4,5 lần giá dự đoán. Tác phẩm do Leonardo da Vinci sáng tác khoảng năm 1500, mô tả chúa Jesus mặc áo màu xanh cổ điển, tay phải làm dấu thánh giá, tay trái cầm quả cầu pha lê trong suốt - tượng trưng cho "thiên cầu" của các tầng trời. Alan Wintermute - chuyên gia cao cấp của nhà đấu gia Christie's về hội họa trước thế kỷ 19 - so sánh tác phẩm với việc khám phá ra một hành tinh mới. "Bức họa Salvator Mundi là chén Thánh trong các tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy trước thế kỷ 19. Nó giống như một giấc mơ huyền bí, không thể đạt được cho tới lúc này", ông nói.
Tranh từng thuộc bộ sưu tập của Vua Charles đệ Nhất nước Anh. Sau nhiều biến cố lịch sử, tác phẩm xuất hiện trở lại ở thế kỷ 19 tại Anh, trong tình trạng hư hỏng nặng. Bức họa được bán tại nhà đấu giá Christie's vào năm 1958 với giá 60 USD, là tác phẩm duy nhất của Da Vinci thuộc sở hữu tư nhân. Ảnh: Christie's
Tranh trừu tượng Interchange của họa sĩ Willem de Kooning đứng thứ hai với giá 300 triệu USD. Theo Bloomberg, tác phẩm được nhà sưu tập, ông trùm quỹ đầu cơ Ken Griffin mua lại từ tỷ phú David Geffen hồi tháng 9/2015.
Tranh ra đời năm 1955, kích thước 200,7 x 175,3 cm, chất liệu sơn dầu trên vải, mô tả một phụ nữ đang ngồi trên ghế theo phong cách trừu tượng. Theo Artnet, tác phẩm là một kiệt tác mang tính đột phá và có ảnh hưởng lớn tới chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Họa sĩ bán tranh cho một phòng trưng bày ngay sau khi hoàn thành với giá 4.000 USD, sau đó qua nhiều lần đổi chủ. Interchange hiện được cho mượn để trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago.
Willem De Kooning (1904-1997) là họa sĩ người Hà Lan, đại diện của trường phái Biểu hiện trừu tượng. Ông đứng thứ chín trong "Top 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20" do tạp chí The Times công bố năm 2009. Ảnh: Artnet
Vị trí thứ ba là bức The Card Players (Những người chơi bài) giá 250 triệu USD. Theo Vanity Fair, hoàng gia Qatar mua tác phẩm năm 2011 trong một giao dịch bí mật.
Bức tranh sơn dầu ra đời năm 1890, mô tả hai người đàn ông Aix-en-Provence (Pháp) ngồi chơi bài. Tác phẩm là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình học và nghệ thuật. Họa sĩ sử dụng màu sắc để phân tích đối tượng, hình khối lẫn phối cảnh. The Card Players là một trong năm bức đề tài chơi bài của Cézanne - những tác phẩm quan trọng nhất thuộc trường phái hậu ấn tượng.
Cézanne là thiên tài người Pháp, được xem là cầu nối giữa chủ nghĩa ấn tượng thế kỷ 19 với chủ nghĩa lập thể thế kỷ 20. Ông được Picasso gọi là "cha của tất cả chúng ta". Ảnh: Metmuseum
Nafea faa ipoipo? (When will you marry?) xếp thứ tư với giá 210 triệu USD. Theo New York Times, trước đó, năm 2015, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin bức tranh được Rudolf Staechelin - cựu giám đốc điều hành của Sotheby's - bán cho một người mua Qatar giá gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, phiên tòa tranh chấp hồi tháng 7/2017 cho thấy tác phẩm được bán giá 210 triệu USD vào năm 2014, thấp hơn 90 triệu USD với báo cáo ban đầu.
Năm 1891, họa sĩ người Pháp Paul Gauguin đến Tahiti để tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Ông dành hai năm du lịch khắp đất nước và vẽ phong cảnh, phụ nữ bản địa. Bức Nafea faa ipoipo? được vẽ năm 1892, chất liệu sơn dầu, mô tả hai phụ nữ trẻ ngồi trên đồng cỏ. Cô gái phía trước mặc trang phục truyền thống của Tahiti, cài hoa trên tai biểu thị cho việc đang tìm kiếm chồng. Người ngồi phía sau mặc váy kiểu phương Tây, kín đáo. Ảnh: AP
Xếp thứ năm là bức Số 17A của họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock với giá 200 triệu USD. Tranh được nhà sưu tập, ông trùm quỹ đầu cơ Ken Griffin mua cùng lúc với tác phẩm Interchange.
Số 17A ra đời năm 1948, kích thước 112 x 86,5 cm, là tranh sơn dầu trên ván sợi, sử dụng kỹ thuật drift painting (vảy sơn). Theo Artnews, tác phẩm là hỗn hợp màu vàng, xanh lam, cam, trắng trộn vào nhau gợi liên tưởng đến chiếc tổ chim. Kỹ thuật vẽ giúp tạo ra dòng xoáy màu phức tạp, không thể phân biệt được lớp trên và lớp dưới. Tác phẩm cũng được cho mượn để trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago.
Jackson Pollock (1912-1956), nghệ sĩ nổi bật của trường phái Biểu hiện trừu tượng. Ông xếp thứ bảy trong "10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20" do tạp chí The Times công bố năm 2009. Pollock qua đời ở tuổi 44 do tai nạn giao thông. Ảnh: Artnews
Vị trí thứ sáu thuộc về Số 6 (Violet, Green và Red) của Mark Rothko với giá 186 triệu USD (bao gồm thuế phí). Tranh được tỷ phú người Nga Rybolovlev mua lại từ vợ chồng ông chủ sản xuất rượu vang người Pháp Christian Moueix năm 2014, thông qua người môi giới Bouvier.
Tranh vẽ năm 1951, gồm ba vệt màu tím, xanh lục và đỏ không đồng đều, xếp chồng lên nhau với phần mép mềm mại. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật trừu tượng của Mark Rothko. Theo Arthive, kỹ thuật vẽ đặc biệt của danh họa giúp tác phẩm đạt hiệu ứng về chiều sâu và phát ra ánh sáng từ bên trong. Phần mép mềm mại, mờ dần tạo cảm giác bức tranh không có ranh giới. Họa sĩ dùng các mảng màu, chiều sâu không gian để thu hút người xem đối thoại với tác phẩm. Ảnh: Artnews
Water Serpents II của Gustav Klimt đứng thứ bảy với 183,8 triệu USD. Tác phẩm được vẽ từ năm 1904 đến 1907, chất liệu sơn dầu, mô tả một vài phụ nữ nằm trên tấm vải.
Trang Mymodernmet cho rằng tranh thể hiện dấu ấn của Klimt: chân dung gợi cảm về cơ thể phụ nữ và họa tiết trừu tượng. Trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã đã lấy tranh từ một phụ nữ Do Thái tên Jenny Steiner. Sau đó, tác phẩm được gia đình Gustav Ucicky - con trai của Klimt - cất giữ đến năm 2012 đem ra đấu giá. Vì tính chất lịch sử, số tiền được chia cho gia đình Ucicky và Steiner.
Gustav Klimt (1862-1918) đứng thứ ba trong danh sách "10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20" của tạp chí The Times. Ông được xem là tên tuổi xuất chúng của trường phái Tượng trưng, chủ yếu vẽ hình thể phụ nữ, khai thác vẻ sexy của họ, bất luận là trong trang phục kín đáo hay trạng thái khỏa thân. Ảnh: Mutualart
Pendant portraits of Maerten Soolmans and Oopjen Coppit (Hai bức chân dung Maerten Soolmans và Oopjen Coppit) đứng thứ tám với giá 180 triệu USD. Tác phẩm được hai bảo tàng Rijksmuseum (Hà Lan) và Louvre (Pháp) mua hồi tháng 2/2016 để trưng bày.
Tác phẩm vẽ Maerten Soolmans và vợ Oopjen Coppit - cặp vợ chồng nổi tiếng trong giới quý tộc ở Amsterdam (Hà Lan) - vào năm 1634, dịp kỷ niệm một năm ngày cưới. Hai bức vẽ khắc họa hình dáng, kích thước tương đương người thật. Chúng được sáng tác riêng biệt nhưng lưu giữ và trưng bày cùng nhau.
Họa sĩ Rembrandt được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử nghệ thuật trước thế kỷ 19. Ông nổi tiếng với các bức chân dung nhóm và tự họa. Ảnh: Christie's
Les Femmes d'Alger (phiên bản O) đứng thứ chín với giá 179,4 triệu USD, bán tại phiên của Christie's vào tháng 5/2015. Người mua là Cựu thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani.
Tác phẩm do Picasso vẽ năm 1955, mô tả những phụ nữ để ngực trần trong căn phòng với các góc độ và hình dạng khác nhau, theo trường phái lập thể. Olivier Camu - Phó Chủ tịch của Christie's - nhận xét: "Bố cục như được đóng khung, sáng tác theo chủ nghĩa lập thể, phối cảnh, màu sắc dữ dội tạo nên tổng thể tuyệt vời. Đây là là một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của danh họa".
Les Femmes d'Alger là tác phẩm cuối cùng trong 15 tranh do Picasso sáng tác từ năm 1954-1955, lấy cảm hứng từ bức Femmes d'Alger dans leur appartement (Những phụ nữ Alger trong căn hộ của họ), vẽ năm 1834 của họa sĩ Eugène Delacroix. Ảnh: Christie's
Bức thứ 10 là Nu Couché (Reclining Nude) của họa sĩ Amedeo Modigliani - được đấu giá 170,4 triệu USD trong phiên Christie's tại New York hồi tháng 11/2015. Tỷ phú Trung Quốc Liu Yiqian mua tranh để trưng bày tại bảo tàng tư nhân ở Thượng Hải.
Theo vnexpress.net
Liên kết website
Ý kiến ()